Man City vô địch Premier League bốn năm liên tiếp không chỉ vì họ là đội có nhiều cầu thủ giỏi nhất lại được dẫn dắt bởi một HLV xuất sắc nhất. Mà còn vì họ là đội có sự chuẩn bị kỹ lưỡng nhất.
Một doanh nghiệp muốn thành công cần phải đặt ra được những mục tiêu đủ lớn nhưng phù hợp. Nhưng quan trọng hơn, doanh nghiệp ấy cần phải cụ thể hóa được những mục tiêu ấy thành các KPI. Đó sẽ là những chỉ số quan trọng để doanh nghiệp đo lường hiệu suất của mình, từ đó dự đoán có thể đạt được mục tiêu hay không, và nếu không thì cần phải điều chỉnh ra sao.
Với Man City của Pep Guardiola, mục tiêu (tối thiểu) đặt ra trước mỗi mùa giải đương nhiên là vô địch Premier League. Nhưng họ có cụ thể hóa mục tiêu ấy thành những KPI chi tiết hay không? Câu trả lời, đừng ngạc nhiên, là có.
Trong cuốn sách mới xuất bản nói về hành trình vươn lên và thống trị Premier League của Man City, Blueprint, tác giả đã tiết lộ rất nhiều thông tin thú vị về sự chuẩn bị “đằng sau cánh gà” của Pep Guardiola và cộng sự. Và đúc kết lại 3 con số có thể gọi là những “con số vàng” quyết định thành bại của Man City. Đó là 87, 27 và 1,4.
Cụ thể hơn, đội ngũ phân tích của Man City tin rằng đội bóng cần phải giành được ít nhất là 87 điểm nếu muốn vô địch Premier League trong thời kỳ mới. Điều đó cũng có nghĩa là đội sẽ phải giành được ít nhất là 27 trận thắng. Như vậy họ vẫn còn 11 cơ hội để mất điểm, mà cụ thể hơn thì họ được phép hòa 6 trận và thua 5 trận trong 11 trận còn lại.
Để đạt được những mục tiêu này, các chuyên gia phân tích của City chỉ ra rằng chỉ số bàn thắng kỳ vọng (xG) là yếu tố then chốt. Chỉ số bàn thắng kỳ vọng (xG), nếu bạn chưa biết, là khái niệm mới được giới thiệu trong những năm gần đây. Nó được dùng để tính toán chất lượng của các cơ hội, bằng cách chấm điểm các cú sút từ 0,01 tới 0,99 dựa trên khả năng thành bàn. Một cú sút có xG bằng 0,01 nghĩa là 100 cú sút ở vị trí ấy thì chỉ có 1 cú sút đưa được bóng vào lưới. Và ngược lại, có những vị trí mà cứ sút từ đấy thì 100 quả sẽ có 99 quả thành bàn, và đó là những cú sút có xG bằng 0,99.
Nhờ có xG, chúng ta lượng hóa được độ hiệu quả của từng pha tấn công. Ví dụ, trong trận đấu giữa Crystal Palace với Nottingham Forest ở vòng trước, Palace đã tung ra được tới 16 pha dứt điểm, dễ khiến người ta có cảm giác họ đã tấn công tốt. Nhưng thực tế, 16 pha dứt điểm ấy có tổng xG chỉ là 0,9, tức là mỗi cú sút chỉ có điểm xG tương đương 0,056, cho thấy chất lượng của các cú sút là quá tệ.
Bằng nghiên cứu của mình, các chuyên gia của City chỉ ra rằng nếu đội bóng của họ đạt được hiệu số xG là 1,4, tức là mỗi trận đều tạo ra đối thủ hơn 1,4 xG xuyên suốt mùa giải, thì họ gần như chắc chắn sẽ đạt được mục tiêu giành 87 điểm và 27 trận thắng. Nhưng họ không chỉ nói suông. Trước mỗi trận đấu, Guardiola và đội ngũ của mình luôn lập ra những kế hoạch chi tiết để đảm bảo sẽ tạo ra ra được hiệu số xG như mong muốn.
Mỗi trận đấu sẽ được chia nhỏ ra thành 6 trạng thái quan trọng; ngoài ra mỗi vị trí trên sân đều được phân tích sâu để xem họ có thể đóng góp như thế nào về điểm xG trong từng trận đấu cụ thể. Ví dụ, Rico Lewis khi đá hậu vệ phải có thể tạo ra nhiều mối đe dọa cho đối phương hơn, nhưng Kyle Walker lại có thể tạo ra hiệu số xG tốt hơn, tất nhiên là tùy vào từng đối thủ cụ thể.
Tất nhiên, nói thì bao giờ cũng dễ. Câu hỏi là Man City có đạt được những KPI như đặt ra hay không? Câu trả lời là có. Trong 4 mùa giải vừa qua, hiệu số xG của Man City lần lượt là 1,2, 1,7, 1,2 và 1,3, đều rất sát con số 1,4 mong muốn. Chính nhờ thế, họ đã đạt được mục tiêu về số trận thắng (lần lượt là 27, 28, 29 và 28) cũng như về điểm số (86, 93, 89 và 91), để rồi trở thành đội bóng đầu tiên 4 lần vô địch Premier League liên tiếp.