Mỗi quả phạt góc với Arsenal đều có thể xem như một cơ hội ghi bàn. MU biết điều đó nhưng họ không thể ngăn chặn được vũ khí lợi hại của đội chủ sân Emirates.
Khi Bukayo Saka thực hiện quả phạt góc thứ 13 và cũng là quả phạt góc cuối cùng của Arsenal trước MU, các CĐV ở phía khán đài Clock End đồng thanh reo hò “Lại là tình huống cố định, ole, ole”. Sự phấn khích của CĐV Arsenal trước mỗi quả phạt góc của đội nhà đang được đẩy lên cao trào.
Nicolas Jover thì hồi hộp đứng ngoài đường pitch. Vị chuyên gia tình huống cố định chỉ trực chờ ăn mừng. Phạt góc đã trở thành vũ khí vô cùng lợi hại của Arsenal. Các học trò của Mikel Arteta đã ghi cả 2 bàn thắng vào lưới MU từ những quả phạt góc, nhờ công Jurrien Timber và William Saliba. Trước MU, Arsenal đã thực hiện tới 7 cú dứt điểm từ những quả phạt góc, nhiều hơn cả trong các tình huống bóng sống của họ (chỉ có 6 cú dứt điểm).
Đây là trận thứ ba liên tiếp Arsenal ghi bàn từ phạt góc. Hai trận trước, Gabriel Malgahaes đã làm tung lưới West Ham và Sporting Lisbon từ những pha dàn xếp phạt góc ăn ý. Nhưng ngay cả khi không có “sát thủ không chiến” Gabriel, Arsenal vẫn khiến MU ngậm đắng nuốt cay từ những pha bóng chết.
Tính từ đầu mùa giải trước, Arsenal đã ghi tới 22 bàn thắng từ phạt góc, nhiều hơn bất kỳ đối thủ nào khác tại Premier League. Hai chân chuyền lợi hại nhất của họ trong các quả phạt góc là Declan Rice và Saka (mỗi người 7 kiến tạo).
Không có Gabriel thì Timber và Saliba xâm nhập vòng cấm đối phương. Về cơ bản, các bài phạt góc của Arsenal không phụ thuộc vào việc ai có mặt trên sân. Trái bóng luôn được căng bổng vào trong và sẽ luôn có cầu thủ đứng đúng vị trí để dứt điểm.
Ở bàn thắng đầu tiên, quả phạt góc của Rice đã treo bóng vào cột gần để Timber đánh đầu ngược mở tỷ số. Còn ở bàn thắng thứ hai, Saka lại treo bóng vào cột xa. Lần này thì Thomas Partey có mặt kịp thời đánh đầu vào trong để Saliba dứt điểm tung lưới MU.
Nicolas Jover và Mikel Arteta đã thiết lập những tình huống bóng chết chuẩn mực và được tập đi tập lại hàng trăm lần. Nguyên tắc cơ bản của Arsenal trong các tình huống phạt góc là tạt bóng bổng vào gần khung thành. 96% các quả phạt góc của họ là treo bóng vào vòng 16m50, tỷ lệ cao thứ nhì Premier League chỉ sau Brentford (98%).
Arteta không cần các cầu thủ phải phối hợp nhỏ từ phạt góc dù Arsenal là đội thích kiểm soát bóng. Chỉ có 5% các quả phạt góc của họ là chuyền ngắn phối hợp, tỷ lệ thấp nhất giải đấu và thấp hơn nhiều những ông lớn khác như Man City (33,9%) hay Tottenham (36,6%). Jover tin rằng chỉ cần tạt bóng chuẩn xác và di chuyển đồng bộ nhịp nhàng, khoảng trống của đối phương sẽ lộ ra.
Mối nguy hiểm từ các quả phạt góc của Arsenal thậm chí làm cho đối thủ sợ hãi. Andre Onana đã tỏ ra lúng túng trong cả hai bàn thua. Hàng thủ MU không biết kèm ai trong bàn thua thứ hai. Saliba khá bị động trong pha dứt điểm… bằng mông ấn định tỷ số 2-0. Nhưng các hậu vệ MU còn bị động hơn dù họ đều đứng xung quanh cầu thủ người Pháp.
Trong lần ghé thăm Emirates vào tháng 9 năm ngoái, MU cũng thủng lưới bởi 1 tình huống phạt góc trong thất bại 1-3. Và sau 15 tháng thì mọi chuyện không có gì thay đổi. Dù là Ten Hag hay Ruben Amorim vẫn bất lực với thứ vũ khí đáng sợ của Arsenal.
Tất cả đều biết song không ai ngăn chặn nổi. Arsenal luôn bố trí rất đông cầu thủ trong vòng 5m50 của đối phương ở các tình huống phạt góc (trung bình 3,8 cầu thủ cao nhất Premier League). Điều đó khiến việc kiểm soát và theo kèm cầu thủ Arsenal trở nên vô cùng khó khăn cho bất kỳ đội bóng nào.
Chừng nào các đối thủ chưa thể bắt bài phạt góc của Arsenal, đội bóng của Arteta còn hiên ngang tiến bước nhờ thứ vũ khí hủy diệt. Nên nhớ họ chỉ còn kém 7 điểm so với đội đầu bảng Liverpool.