Arsenal vs Everton: ‘Vua bóng chết’ gặp ‘Ông hoàng tình huống cố định’
Một cuộc đọ sức thú vị giữa hai CLB tận dụng tình huống cố định giỏi nhất Premier League. Arsenal đã ghi 22 bàn từ bóng chết kể từ mùa trước, nhiều hơn bất kỳ đội nào khác. Trong khi đó, 42,5% số bàn thắng của Everton dưới thời Sean Dyche đến từ tình huống cố định (không tính penalty).
Arsenal đang là “Vua bóng chết”
Việc ghi bàn từ các tình huống cố định đang trở thành chủ đề nổi bật trong thời gian gần đây tại Premier League. Trong đó, Arsenal đang trở thành đội bóng nguy hiểm nhất về mặt này. Chất lượng của họ trong các tình huống cố định, đặc biệt là các quả phạt góc, đang ngày càng được biết đến rộng rãi.
Mùa giải trước, các học trò của HLV Mikel Arteta đã ghi được 22 bàn thắng từ các pha cố định. Tổng cộng, chỉ có 7 đội trong lịch sử Premier League từng làm tốt hơn Pháo thủ trong một mùa giải duy nhất. Trong đó, thành tích ghi 16 bàn thắng từ các quả phạt góc của Arsenal đã cân bằng kỷ lục do West Brom xác lập ở mùa 2016/17.
Chiến thuật phổ biến của Arsenal là đưa bóng về cột hai cho các trung vệ như Gabriel Magalhaes hay William Saliba đánh đánh đầu. Và phải công nhận rằng, những đường chuyền hoàn hảo của Bukayo Saka và Declan Rice cũng quan trọng không kém.
Các HLV phụ trách tình huống cố định giờ cũng ngày càng được săn đón, và có ảnh hưởng chẳng kém giám đốc thể thao, HLV trưởng hay trợ lý HLV. Thậm chí, HLV cố định Nicolas Jover của Arsenal còn có một bức tranh tường gần sân Emirates.
Everton cũng là “Ông hoàng tình huống cố định”
Nhưng Everton, đối thủ sắp tới của Arsenal, cũng là một đội bóng cực mạnh về các tình huống cố định. CLB này không cần thuê một chuyên gia như Jover, nhưng hiệu quả của họ trong các tình huống cố định vẫn rất đáng nể.
“Đó là vì tôi là một con khủng long”, HLV Sean Dyche đã nói đùa vào tuần trước khi được hỏi về thành tích tuyệt vời của Everton từ các pha bóng cố định mặc dù không có chuyên gia.
Ông giải thích thêm: “Tôi và các trợ lý của mình đều là những người từng thi đấu nhiều năm trước khi chuyển sang nghiệp huấn luyện. Vì vậy, chúng tôi biết phải làm gì trong các tình huống cố định. Nhưng không có nghĩa là không cần các huấn luyện viên chuyên về tình huống cố định – điều đó tùy thuộc vào các HLV trưởng, nhân viên và giám đốc bóng đá”.
“7 hoặc 8 năm trước, mọi người đều nói, ‘Tại sao bạn lại lo lắng về các quả phạt cố định?’. Bây giờ mọi người đã nhận ra rằng các quả phạt cố định rất quan trọng. Trong một thời gian dài, người ta ước tính là khoảng 25% số bàn thắng đến từ các tình huống bóng chết. Vậy tại sao bạn lại không sử dụng chúng?”.
Con số thực tế trong toàn bộ lịch sử Premier League là 23,5% số bàn thắng được ghi từ các tình huống cố định (không tính phạt đền).
Kể từ khi Dyche dẫn dắt Everton vào tháng 2/2023, họ đã ghi được 31 bàn thắng tại Premier League từ các tình huống cố định (không tính penalty). Với việc The Toffees đã ghi được tổng cộng 73 bàn trong khoảng thời gian đó, điều này có nghĩa là 42,5% số bàn thắng của họ dưới thời Dyche xuất phát từ các tình huống cố định.
Trong số các đội ghi được hơn 10 bàn dưới thời một huấn luyện viên cụ thể trong cùng khoảng thời gian đó, không đội nào ghi được hơn 31% số bàn thắng từ các tình huống cố định. Đứng thứ hai sau Dyche và Everton là HLV Rob Edwards tại Luton Town (30,8%), tiếp theo là Julen Lopetegui ở West Ham (30%).
Vì vậy, trong khi các tình huống cố định được coi là một phần quan trọng trong cách chơi của Pháo thủ, thì có một lập luận cho rằng chúng thậm chí còn quan trọng hơn đối với Everton.
Chỉ xét riêng mùa giải này, 8 bàn thắng của Everton tại Premier League từ các tình huống cố định. Họ chỉ kém Arsenal, Wolfsburg và Stuttgart (tất cả đều là 9 bàn) trong số các đội ở 5 giải đấu hàng đầu châu Âu.
Những người nổi bật nhất trong chiến thuật đá phạt của Everton là Dwight McNeil và James Tarkowski. Theo đó, McNeil sẽ là người thực hiện các quả đá phạt đưa bóng tìm đến vị trí thuận lợi để Tarkowski dứt điểm.
Tuy nhiên, có một lưu ý khá quan trọng đối với thành tích của Everton. Bốn trong số các bàn thắng từ các tình huống cố định của họ đến trong một trận đấu, đó là chiến thắng 4-0 trước Wolves. Trong đó, 2 bàn là các pha phản lưới nhà của Craig Dawson; những bàn còn lại đến từ một quả đá phạt trực tiếp của Ashley Young và sau đó là một cú sút của Orel Mangala từ rìa vòng cấm sau khi hậu vệ Wolves phá bóng ra.
Rõ ràng, Everton không thể so sánh với Arsenal về sự nguy hiểm trong các quả phạt góc. Nhưng không phải ngẫu nhiên mà họ đã ghi được rất nhiều bàn thắng từ các pha cố định trong 20 tháng qua.
Về mặt kỹ thuật, các bàn thắng từ các pha cố định đang giảm dần theo từng năm tại Premier League, nhưng Arsenal và Everton được trang bị để mang đến một màn trình diễn xứng đáng với giá trị của họ.