Man City và Newcastle sẽ buộc phải thay đổi quyền sở hữu nếu đề xuất cấm các câu lạc bộ do nhà nước kiểm soát được chấp thuận.
Đề xuất này, do Lord Bassam của Brighton, một thành viên của Đảng Lao động đưa ra, đã được đệ trình trong một sửa đổi đối với Dự luật Quản lý Bóng đá, trong đó sẽ giới thiệu một cơ quan quản lý độc lập cho môn thể thao này.
Nếu đề xuất này được Quốc hội Anh thông qua, thì Man City và Newcastle sẽ buộc phải thay đổi quyền sở hữu để được cơ quan quản lý cấp giấy phép, theo báo cáo từ The Times.
Bản sửa đổi của Bassam nêu rõ: “Không có câu lạc bộ nào do nhà nước kiểm soát được cấp giấy phép hoạt động và bất kỳ câu lạc bộ nào bị ảnh hưởng phải chứng minh với IFR (cơ quan quản lý bóng đá độc lập) rằng họ đã từ bỏ quyền kiểm soát của nhà nước trước khi nộp đơn xin giấy phép hoạt động”.
Bản sửa đổi bổ sung: “Câu lạc bộ do nhà nước kiểm soát là các câu lạc bộ mà IFR hoặc bộ trưởng ngoại giao coi là chịu ảnh hưởng của bất kỳ tác nhân nhà nước nào, bao gồm thành viên của bất kỳ chính phủ nào hoặc gia đình trực hệ của họ, nguyên thủ quốc gia hoặc gia đình trực hệ của họ, nhà ngoại giao, người vận động hành lang hoặc đại diện nhà nước khác hoặc gia đình trực hệ của họ và các quỹ đầu tư quốc gia”.
Vậy khả năng điều này xảy ra là bao nhiêu? Để trở thành luật, các nghị sĩ tại Hạ viện sẽ phải ủng hộ sửa đổi, điều này chỉ xảy ra nếu chính phủ đồng ý.
Khả năng sửa đổi được thông qua là “khá nhỏ”, theo báo cáo trên. Nhưng một số câu lạc bộ Ngoại hạng Anh trước đây đã thúc giục chính phủ ban hành lệnh cấm như vậy.
Theo trang web của Quốc hội Anh, Dự luật Quản lý Bóng đá sẽ thành lập một cơ quan quản lý bóng đá độc lập và giới thiệu hệ thống cấp phép cho các câu lạc bộ bóng đá, đặc biệt là 5 hạng đấu cao nhất (từ Premier League đến National League), như một phần của chế độ quản lý mới dành cho bóng đá nam tại Anh.
Dự luật xác định mục đích chính của mình là “bảo vệ và thúc đẩy tính bền vững của bóng đá Anh”.
Những thay đổi được đề xuất trong dự luật bao gồm tăng cường các cuộc kiểm tra về quyền sở hữu, với các biện pháp trừng phạt có sẵn để xử lý những cá nhân và các câu lạc bộ bị coi là không phù hợp.
Những thay đổi này được đề xuất sau những lo ngại về tính bền vững về mặt tài chính của bóng đá, dẫn đến sự sụp đổ hoặc gần sụp đổ của một số câu lạc bộ, cũng như các mô hình sở hữu và các giải đấu ly khai có thể xảy ra.
The English Football League (Tổ chức các giải bóng đá Quốc gia Anh) và Football Supporters’ Association (Hiệp hội người hâm mộ bóng đá) đã ủng hộ các đề xuất trong dự luật, trong khi BTC Premier League bày tỏ lo ngại về cách nó có thể tác động đến đầu tư và khả năng cạnh tranh.