1. Mùa giải 2023/2024 kết thúc chưa lâu người hâm mộ bóng đá Việt Nam đã phải nhận thêm tin kém vui tới từ CLB Long An khi khả năng cao nhà cựu vô địch V-League đối mặt với nguy cơ không tham dự giải hạng Nhất 2024/25.
Cụ thể hơn, ngay trong giai đoạn chuẩn bị cho mùa giải 2024/2025, công ty Cổ phần Phát triển bóng đá Long An xin trả đội bóng về Sở VH-TT&DL Long An. Nguyên nhân do thiếu hụt nguồn vận động, mất cân đối nguồn thu chi.
Đáng nói, dù chơi ở giải hạng Nhất nhưng CLB Long An lại đang nằm trong số những đội bóng giàu thành tích, truyền thống bậc nhất Việt Nam khi từng “làm mưa, làm gió” tại V-League, thậm chí có thời điểm họ nằm trong nhóm tứ đại gia cùng Bình Dương, Đà Nẵng và HAGL một thời.
2. Ít ngày trước, thông tin đội bóng của bầu Đức xin mang tên cũ HAGL, chỉ sau một mùa gắn cùng với nhà tài trợ, đối tác LPBank bỗng lại nóng trên mạng xã hội.
Chuyện đội bóng phố Núi đổi rồi xin lấy lại tên sau nửa mùa chuyển thành LPBank HAGL thực ra không mới ở bóng đá Việt Nam bởi trước đây nhiều CLB từng làm. HAGL hay đa số các CLB của bóng đá Việt Nam phải gắn với thương hiệu hay muốn quảng bá sản phẩm nào đó cho nhà tài trợ để duy trì nguồn “dinh dưỡng”.
Nhưng vấn đề ở chỗ cái tên HAGL gắn chặt với chiều dài lịch sử V-League, cũng như là niềm tự hào đối với bầu Đức. Tuy nhiên tất cả giá trị ấy chẳng có nghĩa lý gì, khi đội bóng phố Núi… “hết sữa”.
3. Bóng đá Việt Nam sau hơn 20 năm khoác lên mình tấm áo chuyên nghiệp đã thực sự thoát khỏi sự nghiệp dư hay chưa? Câu trả lời nằm ở 2 câu chuyện nói trên với các đội bóng từng được coi thành công nhất V-League giai đoạn đầu tiên.
Cả 2 ông Đoàn Nguyên Đức, Võ Quốc Thắng chỉ được biết tới vai trò doanh nhân một khi bắt tay làm bóng đá và gắn thương hiệu với HAGL, Đồng Tâm Long An để trở thành các ông bầu danh tiếng nhất Việt Nam.
Họ đều yêu bóng đá bậc nhất, sẵn sàng chỉ cả nghìn tỷ cho đam mê… nhưng rốt cuộc cũng không thể biến đứa con tinh thần của mình chuyên nghiệp như mong muốn ban đầu. Tức lấy bóng đá nuôi bóng đá và duy trì một cách dài hơi, tạo dựng nên một giá trị truyền thống bằng thành tích, lối chơi hay cách vận hành.
Những nỗ lực gìn giữ, xây dựng hay tình yêu của bầu Thắng, bầu Đức với Long An, HAGL là đáng ghi nhận, nhưng rốt cuộc giờ thì một đã bỏ chạy thực sự, người còn lại gần như đang mất dần sự kiểm soát và có thể cũng sớm rời đi.
Tình cảnh các đội bóng của bầu Thắng hay bầu Đức không giống nhau, nhưng lại đưa chung một đáp án: Bóng đá Việt Nam chẳng thể chuyên nghiệp khi các CLB chưa tự nuôi nổi mình và chỉ sống bằng bầu sữa từ các doanh nghiệp, địa phương.
Điều này là chắc chắn, cứ nhìn hơn 20 năm lên chuyên nghiệp cũng có chừng đó CLB (thậm chí hơn) giải thể, xin rút lui, thậm chí bỏ chạy khỏi giải hạng Nhất, V-League thì thấy.
Nên tới đây, nếu V-League, giải hạng Nhất đối mặt lại với cảnh các đội bóng xin rút, giải thể… cũng đừng ngạc nhiên, bởi suy cho cùng cái mác chuyên vẫn tù mù nên thật khó trông mong!
Từ Hà Nội FC nghĩ về con đường của bóng đá Việt Nam
Hai mùa giải liên tiếp Hà Nội FC hụt chức vô địch V-League, nhưng những gì mà đội bóng Thủ đô đang có lại là điều mà bóng đá Việt Nam cần đi theo.
Bóng đá Việt Nam: Thay đổi để tiến
Bóng đá Việt Nam sau thành công dưới thời ông Park Hang Seo từng đặt mục tiêu cao ở giai đoạn kế tiếp nhưng kết quả mọi thứ lại trở lại như ban đầu.
Đình Bắc, Quốc Việt đá giải trẻ: Nghịch lý buồn của bóng đá Việt Nam
Bóng đá Việt Nam xây dựng được hệ thống thi đấu dành cho các cầu thủ trẻ tương đối ổn, nhưng ở đó vẫn còn hàng loạt nghịch lý để khiến cơ hội phát triển ít nhiều bị ảnh hưởng.