ĐT Việt Nam ‘phiên bản’ Kim Sang Sik trông chờ cả vào Văn Trường, Vĩ Hào…
HLV Kim Sang Sik đã trải qua 4 trận đấu kể từ khi ông tiếp quản ghế HLV trưởng ĐT Việt Nam từ người tiền nhiệm Troussier. Vậy phiên bản hiện tại của ĐT Việt Nam có gì đặc biệt?
Tối 10/9 khi xem ĐT Việt Nam đấu với Thái Lan trên Mỹ Đình nhiều người đã thốt lên: “Đây là hình bóng của ĐT Việt Nam dưới thời HLV Park Hang Seo”. Luận điểm này trở nên có lý nếu nhìn vào lực lượng và cách chơi trên sân. Trong đội hình xuất phát, Việt Nam có 6 sự thay đổi so với trận đấu với Nga. Nguyễn Filip là thủ môn không xuất hiện dưới triều đại của ông Park. Hoặc ít cơ hội hơn có Xuân Mạnh, hay Văn Trường chỉ mới xuất hiện ở cấp độ U23, còn lại đều là những gương mặt kỳ cựu.
Nói cách khác, Nguyễn Filip và Văn Trường, những cầu thủ được nhắc đến khi ông Troussier còn tại vị, chính là sự khác biệt về nhân sự. Còn lại, ĐT Việt Nam chào đón sự trở lại của những cái tên tưởng chừng đã bị lãng quên như Hồng Duy, Thành Chung hay Phan Văn Đức, người gặp chấn thương dài hạn trong hơn 1 năm qua. Nói như vậy để thấy rằng, HLV Kim Sang Sik đã nắm bắt được câu chuyện thực tế và phần nào đó, ông đã lựa chọn sự an toàn cho đội tuyển. Điều quan trọng hơn cả, ông Kim đặt niềm tin ở các cựu binh, những cầu thủ đã thành danh thay vì những người mới.
Bằng chứng rõ nhất chính là Quế Ngọc Hải. Dù vắng mặt thời gian dài vừa qua nhưng trung vệ này được lựa chọn đá chính cả 2 trận, với Nga và Thái Lan. Cầu thủ của Bình Dương đã chơi thế nào ai cũng biết. Rõ ràng, ông Kim chấp nhận những thử thách và những sai số từ những cựu binh. Cũng niềm tin ấy nhưng Hồng Duy lại chưa cho thấy bản thân sẵn sàng cho ngày trở lại. Cú phá hụt bóng dẫn đến bàn thắng của Gustavsson thực sự đáng tiếc bởi Hồng Duy luôn xử lý rất tốt những tình huống đứng vị trí phòng ngự như thế này.
Hải Quế và Hồng Duy thể hiện những hình ảnh có thể nói là đối lập trên sân. Tất nhiên, câu chuyện ở đây không nhấn mạnh ai sai ai đúng, mà nó cho thấy phần nào đó xu hướng của HLV Kim Sang Sik trong sử dụng nhân sự. Từ việc sử dụng con người, chúng ta cũng có thể “hình dung” được cách vận hành chiến thuật của ĐT Việt Nam ở thời điểm hiện tại.
Ở tuổi 21, Văn Trường được đặt hy vọng nhưng tiền vệ này chỉ mới thể hiện được sự xông xáo. Có những thời điểm, Văn Trường đã bị “ngợp” với nhịp độ trận đấu. Mẫu tiền vệ toàn năng cả tấn công lẫn phòng ngự của HLV Kim Sang Sik vì thế cũng đã không xuất hiện trên sân. Nó cũng giải thích tại sao mỗi khi mất bóng bên phần sân đối phương, ĐT Việt Nam để lộ những khoảng trống mênh mông và bị đối thủ khai thác triệt để. Ngay cả khi Quang Hải được đưa vào trung lộ đá cặp với Hoàng Đức nhằm tạo ra đột phá trong khâu tấn công, đội bóng của ông Kim cũng chưa tạo ra được độ sắc nét.
Có những thời điểm trên sân, Quế Ngọc Hải sắm vai một “người chia bài” nhưng dường như ngay lập tức điều đó đã bị ngăn chặn khi đối thủ phát hiện ra. Phòng ngự có vấn đề, tấn công biên không rõ nét, trung lộ cũng chưa thành công… gặp một đối thủ như Thái Lan, đội bóng của HLV Kim Sang Sik bộc lộ rất nhiều điểm yếu. Rõ ràng, ĐT Việt Nam sẽ lại phải đối mặt với bài toán “bình mới rượu cũ”, nhưng dù sao ông Kim và các học trò vẫn còn thời gian để sửa chữa, khắc phục.
Bây giờ ĐT Việt Nam sẽ lại phải chờ vào cảm giác, sự hưng phấn của các cựu binh và chờ thời gian tới, khi những cầu thủ như Văn Trường, Vĩ Hào trưởng thành hơn để tạo ra sự khác biệt dưới triều đại của HLV Kim Sang Sik.