Đá bóng giỏi thôi là chưa đủ. Phải nói và biết cách nói với cả thế giới rằng mình giỏi thế nào mới là đủ. Đấy là một phẩm chất mà Erling Haaland cần phải bổ sung.
1. Năm 2015, trong khoảnh khắc được vinh danh vào ngôi đền huyền thoại của bóng rổ Mỹ, Allen Iverson, cầu thủ xuất sắc nhất NBA mùa giải 2001 và là một biểu tượng của giải đấu giai đoạn đầu thế kỷ, gửi lời cảm ơn tới một nhân vật không phải gia đình, cũng chưa từng là đồng đội của anh.
Đoạn cảm ơn này sau đó nổi tiếng tới mức không ai nhớ Iverson đã tri ân gia đình, vợ con hay HLV thế nào. Tôi xin trích lại nguyên văn:
“Tôi phải cảm ơn nhân vật này. Vì nếu không có và không phải vì anh ấy, tôi thề rằng, sẽ không có Allen Iverson đứng trên bục vinh danh huyền thoại ngày hôm nay. Anh ấy thật sự đã mở mang cho tôi.
Ai cũng muốn nhanh như Isaiah Thomas, ném bóng chính xác như Larry Bird, bắt bóng bật bảng như Charles Barkley, chuyền bóng như Magic Johnson, đè bẹp mọi đối thủ như Shaquille O’Neal, nhưng tôi, chỉ muốn được như Mike.
Tôi nhớ mãi lần đầu tiên đối đầu với Mike. Tôi ra sân, thấy anh ấy. Lần đầu tiên trong đời, tôi chứng kiến một con người trở nên kỳ ảo trước mắt mình. Tôi thật sự đã thấy hào quang của Mike. Người anh ấy đã tỏa sáng.
Tôi đứng thần ra đấy, nhìn Mike và tự nhủ: “Trời, Mike kìa!”. Tôi cứ ngắm nhìn anh ấy mãi mà không dừng lại nổi, tôi nhìn đôi giày của Mike và lại tự nói: “Trời ơi, anh ấy có đôi Jordan riêng kìa”. Đấy là Mike, là thần tượng, là người hùng của tôi.
Tôi còn nhớ ngày bé ghét đội New York Nicks và Detroit Pistols kinh khủng vì cứ ra sân là chơi xấu Mike. Rồi tôi cứ ngồi trong tầm hầm của mẹ mà xem Mike trên TV. Mẹ tôi khi ấy vẫn bảo: “Cứ dán mắt vào TV đi rồi có ngày mù nghe con”. Tôi đã ngồi sát vào TV chỉ vì muốn gần Mike nhất có thể. Thế đấy”.
Mike trong câu chuyện này của Iverson là Michael Jordan, người đến giờ vẫn được xem là cầu thủ bóng rổ vĩ đại nhất mọi thời. Nếu các bạn vì đoạn phát biểu kia mà tò mò tìm hiểu Jordan xuất sắc thế nào để một huyền thoại bóng rổ ở tuổi 40 như Iverson cảm ơn rưng rưng như một cậu nhóc, rất có thể các bạn cũng sẽ mê mẩn nhân vật này.
Đấy là mẫu VĐV không chỉ xuất sắc ở tài năng (6 lần vào chung kết, thắng cả 6) mà còn đặc biệt lôi cuốn ở các giai thoại bên lề nhờ cá tính cực mạnh. Nhờ Jordan, NBA vươn mình trở thành giải đấu phổ biến toàn cầu trong thập niên 90. Nếu nói biểu tượng của bóng rổ Mỹ là Jordan cũng không có gì sai.
Jordan xuất sắc? Đúng. Nhưng người Mỹ cũng chớp thời cơ hoàn hảo để tận dụng MJ và “bán” những câu chuyện đầy hấp dẫn mà không giáo điều về huyền thoại này, từ đó biến NBA thành một siêu giải đấu thể thao với giá trị thương mại lẫn hình ảnh cao ngất ngưởng.
Năm 2020, khi cả thế giới ngừng lại vì đại dịch, Netflix tung ra thị trường bộ phim tài liệu “The Last Dance” kể về mùa giải cuối cùng 1997/98 và rộng hơn là toàn bộ sự nghiệp của Jordan. Một lần nữa, cả thế giới lại bị MJ mê hoặc: “The Last Dance” là tựa phim được theo dõi nhiều nhất trên nền tảng này trong giai đoạn đại dịch. Mỗi tập của series thu hút trung bình gần 6 triệu lượt xem và chưa dừng lại cho đến bây giờ.
Một lần nữa, người Mỹ lại thành công mỹ mãn trong việc bán câu chuyện về vận động viên có lẽ là nổi tiếng nhất trong lịch sử của họ. Thương hiệu giày Air Jordan của Nike, vốn đã bán chạy, còn bán chạy hơn nữa với sự nổi tiếng của “The Last Dance”. Người Mỹ bán câu chuyện không phải để cho vui. Họ thu bộn tiền từ đó.
Giỏi thôi chưa đủ. Phải nói và biết cách nói với cả thế giới rằng mình giỏi thế nào mới là đủ. Người Mỹ đã dạy phần còn lại thế giới như thế với trường hợp của Jordan.
2. Erling Haaland sau cú hat-trick vào lưới Ipswich Town đã tạo ra thống kê đáng sợ: 94 bàn sau 101 trận cho Man City. Mới tới Premier League được hai mùa giải, nhưng Haaland đá kịp ghi 67 bàn. Chân sút người Na Uy chỉ mất… 68 trận để đạt cột mốc này, nhanh hơn bất kỳ tay săn bàn thượng thặng nào trong lịch sử giải đấu số một nước Anh.
So với Cristiano Ronaldo và Lionel Messi, hai biểu tượng của thời đại, Haaland thậm chí trội hơn hẳn ở các con số ở tuổi 24. Anh ghi bàn gần gấp đôi CR7, và nhiều hơn Messi hơn 60 bàn.
Nhưng chưa bao giờ Haaland được đánh giá đủ sức ngồi vào vị trí Messi và Ronaldo bỏ lại. Chỉ cần chơi tệ vài trận, chân sút người Na Uy lập tức bị chê bai không tiếc lời. Roy Keane từng ví von Haaland chỉ là “cầu thủ hạng tư” chỉ vì không ghi bàn trước Arsenal ở giai đoạn lượt về mùa trước.
Ở tuổi 24, Haaland rõ ràng vẫn còn cả chặng đường dài trước mắt, nhưng thế giới dường như không thích chân sút người Na uy cho lắm. Không ai coi anh là đối trọng trong cuộc đua Quả bóng Vàng với Vinicius Jr, Jude Bellingham hay Kylian Mbappe.
Lý do thực tế rất đơn giản: Haaland không biết cách truyền thông cho chính mình, dân dã hơn là không biết “diễn”. Các bạn sẽ không thể tìm ra lần nào Haaland đáp trả các chỉ trích của Roy Keane hay bất kỳ pundit nào tại Anh. Số câu chuyện truyền cảm hứng của chân sút sinh năm 2000 cũng không tồn tại.
Số 9 của Man City mặc kệ mọi yếu tố bên lề. Anh sinh hoạt, làm việc hệt như robot, đá hết trận là về, tập luyện trước khi chuẩn bị cho trận kế tiếp. Xét về tài năng, Haaland là trung phong số một Premier League. Xét về con người, đây là một chàng trai 24 tuổi trầm lặng tới mức nhạt nhẽo. Truyền thông Anh vốn lắm lời và giỏi vẽ chuyện không thua kém người Mỹ nhưng cũng bó tay trước Haaland.
Haaland rất khác thần tượng của chính anh, Ronaldo. Khi chưa là ai, CR7 đã mạnh miệng muốn trở thành người giỏi nhất phòng thay đồ Man United khi đó có Paul Scholes, Ruud van Nistelrooy, Ryan Giggs, Roy Keane… Năm 2007, Ronaldo từng cởi trần, lên trang bìa một tờ báo tại Anh và nhấn mạnh tham vọng trở thành “Cầu thủ vĩ đại nhất lịch sử”. Những lần làm màu của CR7 khi đã-là-ai đó có lẽ không cần nói lại.
Dù yêu hay ghét Ronaldo, nhưng không ai có thể bỏ qua siêu sao người Bồ Đào Nha, chính bởi các phát biểu này.
Thứ cá tính thu hút truyền thông ấy biến Ronaldo thành biểu tượng. Người Anh tận dụng triệt để Ronaldo, người Tây Ban Nha cũng làm điều tương tự. Florentino Perez với bộ máy truyền thông hùng hậu tại Madrid biến CR7 thành biểu tượng song hành với Lionel Messi (một siêu sao cũng sở hữu hàng tá câu chuyện để bán), trong gần 10 năm thế giới thay đổi chóng mặt với sự ra đời của mạng xã hội.
Tất cả đều đã chớp thời cơ, hệt như cách người Mỹ làm với Jordan giai đoạn nửa cuối thập niên 80 đến hết thập niên 90. Họ “bán” mọi thứ về MJ, từ giày, câu chuyện tới những bi kịch, bê bối đời tư… Ronaldo cũng tương tự.
Haaland thì không cho người Anh làm điều này, chỉ bằng việc quá tập trung vào chuyện của bản thân. Có thể việc sinh ra và lớn lên tại một quốc gia tiên tiến như Na Uy, trong một gia đình khá giả khiến Haaland không thể nào hiểu việc phải nỗ lực ở mọi-khía-cạnh để chiếm lấy lợi thế cho riêng mình.
Làm sao Haaland hiểu được cảnh theo dõi Real Madrid vô địch châu Âu trên màn hình TV cong trong căn phòng 7-8 mét vuông trước khi nói với người bạn ngồi cạnh: “Sẽ có ngày tới cùng Real Madrid vô địch Champion League”; và thật sự làm được điều đó không chỉ một mà tới 4 lần. Ronaldo đã làm được. Ngoài tài năng phi thường, những câu chuyện biến CR7 và Messi thành huyền thoại.
Ở tuổi 24, Haaland là người chiến thắng tuyệt đối về con số thống kê. Nhưng Haaland có thể sẽ không bao giờ giành Quả bóng Vàng, hoặc trở thành biểu tượng của thời đại. Có rất ít khả năng ai đó sau này sẽ thần tượng Haaland và được truyền cảm hứng từ cầu thủ người Na Uy như Allen Iverson với Micheal Jordan hay như chính Haaland với Ronaldo.
Đá bóng giỏi thôi là chưa đủ. Phải nói và biết cách nói với cả thế giới rằng mình giỏi thế nào mới là đủ.