Man City nên suy yếu để Premier League bớt nhàm chán. Nhưng liệu có thể lực nào đủ sức ngăn cản màn hồi sinh của thầy trò Pep Guardiola trong giai đoạn lượt về?
Trong những năm đầu của kỷ nguyên Premier League, mọi thứ dường như đều có thể xảy ra. Như thường lệ dưới thời Sir Alex Ferguson, MU đã bứt phá với một chuỗi trận thắng cuối mùa giải 1992/93 để giành chức vô địch Premier League đầu tiên, nhưng một số cái tên lạ mặt cũng cùng họ đứng đầu BXH. Aston Villa từ vị trí thứ 17 mùa 1990/91 đã kết thúc ở vị trí thứ 2 hai mùa giải sau đó. Norwich City, Blackburn Rovers và Queens Park Rangers hoàn thành Top 5, với Liverpool ở vị trí thứ 6. Mùa giải tiếp theo, Wimbledon – đội xếp thứ 12 mùa 1992/93 – đã kết thúc ở vị trí thứ 6.
Nhưng khi những năm 2000 mang đến kỷ nguyên “Big Four”, cơ hội cho một cái tên không mấy nổi bật nâng tầm mình lên vị trí cao trên BXH Premier League như thế này đã giảm dần.
Khi Premier League khẳng định vị thế là giải đấu bóng đá thống trị thế giới, mang đến kỷ nguyên của “Big Six”, các vị trí kết thúc đủ điều kiện tham dự các giải đấu châu Âu mùa sau về cơ bản đã trở thành một nhóm độc quyền dành cho những đội bóng giàu có và danh tiếng nhất, ngoại trừ một số trường hợp ngoại lệ.
Tuy nhiên, trong ba tháng đầu tiên của mùa giải này, tính cạnh tranh của thời kỳ cũ đã trở lại. Kể từ mùa giải 2006/07, khi chỉ có 5 điểm cách biệt giữa Arsenal ở vị trí thứ ba và Fulham ở vị trí thứ 13 vào đầu tháng 12, lần đầu tiên Premier League mới lại chật chội như vậy vào thời điểm này của mùa giải,
Trong khi Liverpool đang cho thấy dấu hiệu họ có thể tách đoàn với lợi thế 5 điểm nhiều hơn phần còn lại và 7 đội xếp cuối bảng là một thế giới riêng, chỉ có 4 điểm cách biệt giữa Chelsea ở vị trí thứ ba và MU ở vị trí thứ 13. Vậy tại sao cuộc đua giành vé dự cúp châu Âu lại căng thẳng như vậy vào thời điểm hiện tại?
Khi bạn nhìn vào các kỷ lục chấn thương của các đội hàng đầu, thật dễ hiểu tại sao họ không thể lặp lại sự thống trị của mình trong những mùa giải gần đây. Mikel Arteta đã nâng tầm Arsenal lên vị trí thách đấu chức vô địch hai mùa trước, phần lớn là nhờ vào một nhóm cầu thủ cốt cán bền bỉ và khỏe mạnh. Mùa trước, chỉ có Fulham có ít chấn thương riêng lẻ (22) hơn Arsenal (23), và họ may mắn giữ được các cầu thủ chủ chốt của mình khỏe mạnh trong phần lớn mùa giải. Mùa này, vận may đó đã đảo ngược.
Bầu không khí tại sân Etihad cũng ảm đạm không kém. Lần đầu tiên trong sự nghiệp 17 năm cầm quân của Pep Guardiola, Man City đã phải nhận thất bại thứ tư liên tiếp sau trận thua 1-2 trước Bournemouth. Dường như sự bất khả chiến bại của nhà đương kim vô địch Premier League dưới thời Guardiola đang dần phai mờ. City ghi ít bàn thắng hơn, mất bóng nhiều hơn, và lối phản-pressing của họ là rời rạc nhất kể từ khi chiến lược gia người Catalan về thứ ba trong mùa giải ra mắt 2016/17 tại Anh.
Rodri là mỏ neo phòng ngự của Guardiola ở vị trí tiền vệ trụ trong chuỗi trận thống trị gần đây của City tại Premier League, nhưng Quả Bóng Vàng 2024 đã phải nghỉ hết mùa giải vì chấn thương đầu gối. Các đối thủ hiện đang dễ dàng cắt qua hàng tiền vệ của City hơn khi phản công. Cho đến nay, họ đã để thủng lưới 13 bàn tại Premier League, nhiều hơn cả Nottingham Forest và MU, đội đang ở nửa dưới BXH. Vào thời điểm này năm ngoái, họ chỉ để lọt lưới 8 bàn.
Tuy nhiên, City đã phát triển thói quen ru ngủ các đối thủ cạnh tranh bằng một giai đoạn mùa thu và mùa đông kém hiệu quả, trước khi bừng tỉnh với chuỗi chiến thắng liên tiếp vào mùa xuân để đảm bảo chiếc cúp vẫn ở lại Etihad. Nếu kịch bản nhàm chán vẫn lặp lại, khán giả nên tận hưởng sự “hỗn loạn” tạm thời này đi!