Làm ăn kinh doanh yếu kém dẫn đến thua lỗ, phải thắt lưng buộc bụng, cắt giảm chi tiêu là đúng. Nhưng liệu việc MU cắt hợp đồng đại sứ với Sir Alex Ferguson có thực sự giúp họ khá hơn?
Tháng trước, giám đốc điều hành của MU, Omar Berrada, đã đưa ra một tuyên bố đi kèm với báo cáo tài chính của CLB, trong đó ông thảo luận về việc hướng đến chiến lược “bền vững hơn về tài chính” sau khi đội bóng báo lỗ 113,2 triệu bảng.
Thực tế, INEOS đã rất mạnh tay trong cách tiếp cận tái cấu trúc. Đầu năm nay, họ đã cắt giảm 250 công việc như một phần trong quyết tâm giảm chi phí và loại bỏ một số hoạt động “không thiết yếu”.
Sir Dave Brailsford, người đã đóng vai trò quan trọng trong các hoạt động bóng đá tại MU kể từ khi INEOS tiếp quản, đã đứng đầu một cuộc đánh giá toàn diện về các hoạt động của Quỷ đỏ. Kết quả, ngay đến Sir Alex cũng bị “sờ gáy”, MU quyết định cắt hợp đồng đại sứ trị giá 2,16 triệu bảng mỗi năm của ông.
Sau sự việc này, bạn có nghĩ MU sẽ bỏ luôn bức tượng bằng đồng của Sir Alex không bên ngoài Old Trafford? Họ sẽ tiết kiệm được tiền đánh bóng đồng đấy. Có lẽ MU sẽ tháo bỏ cả những chữ cái trên khán đài mang tên ông và bán phế liệu. Bán phế liệu bây giờ cũng được giá đấy đừng đùa. Có thể MU còn sẽ nấu chảy những bản sao của 13 chiếc cúp Premier League mà Sir Alex đã giành được. Cứ thu về tiền là được mà.
Với cá nhân Sir Alex, việc này chẳng ảnh hưởng nhiều đến kinh tế bởi ông có nhiều nguồn thu khác nhau. Với MU, nếu chúng ta nhìn từ bên ngoài và chỉ quan tâm đến những con số trên sổ sách, thì rõ ràng CLB có lý. Nếu đang trong giai đoạn thắt lưng buộc bụng, việc cắt giảm chi phí vài triệu bảng mà không mất đi điều gì quá to tát có vẻ là một quyết định đúng đắn không cần bàn cãi.
Tuy nhiên, khi việc cắt giảm chi phí đến mức bạn phải loại bỏ cả người đã gây dựng nên một Man United lẫy lừng, bạn cần tự hỏi liệu điều đó có thực sự đáng hay không. Liệu việc tiết kiệm có xứng đáng không nếu điều đó có nghĩa bạn đang dần xa rời người đã giúp đội bóng giành được 2 Champions League, 13 chức vô địch quốc nội và nuôi dưỡng những ngôi sao như Eric Cantona, Roy Keane, David Beckham, Cristiano Ronaldo, Wayne Rooney hay hàng chục cầu thủ khác? Người đã mang đến niềm vui cho hàng triệu cổ động viên, người đã xây dựng một siêu CLB từ một vỏ bọc kém cỏi. Điều đó giống như INEOS đã chọn cách cắt bỏ một phần linh hồn của MU vậy.
Những điều như thế này nghe có vẻ chẳng liên quan, song lại rất quan trọng. Chính nhờ Sir Alex mà mọi người vẫn quan tâm đến MU, ngay cả hơn một thập kỷ sau khi ông rời ghế HLV trưởng. Việc Ferguson vẫn tham gia vào CLB nhắc nhở mọi người về tầm quan trọng của ông đối với CLB.
Rất dễ để những ký ức trở nên phai mờ, để mọi người quên mất tại sao MU vẫn là một trong những thế lực văn hóa lớn, không chỉ là một CLB bóng đá hay thậm chí một tổ chức thể thao, mà còn là một sức mạnh văn hóa tại Anh. Nếu Ferguson không còn là một phần thực sự của MU, điều đó sẽ khiến việc quên đi tầm ảnh hưởng lịch sử của Quỷ đỏ trở nên dễ dàng hơn.
MU vẫn giữ Sir Alex ở lại với cương vị giám đốc không điều hành, ngụ ý cho thấy họ chưa cắt đứt hoàn toàn mối quan hệ với ông. Nhưng, một lần nữa, chúng ta vẫn phải tự hỏi liệu điều này có thực sự đáng hay không.
Trước hết, bất kể MU có tô vẽ nó thế nào, chuyện này vẫn sẽ bị nhìn nhận như việc MU sa thải Ferguson trước khi “trảm” Erik ten Hag. Điều này sẽ gây ra hình ảnh xấu, và đối với nhóm lãnh đạo còn khá mới, những người đang cố gắng thuyết phục người hâm mộ rằng họ biết mình đang làm gì, đây là một bước đi khá mạo hiểm về mặt quan hệ công chúng.
Ngoài ra, trong tất cả những cách mà MU đã “ném tiền qua cửa sổ”, khoản thù lao của Ferguson có lẽ chỉ như muối bỏ biển. Hàng loạt bản hợp đồng đã được Quỷ đỏ đưa về với giá cắt cổ, gấp hàng chục lần số tiền họ trả cho Sir Alex, nhưng hầu hết đều trở thành thảm họa. MU cũng đã tuyển dụng một loạt các giám đốc điều hành mới với chức danh công việc nghe rất giống nhau, hoặc việc có thể sa thải Ten Hag và ban huấn luyện ông trong vài tuần tới, điều mà lẽ ra họ có thể hoặc nên làm từ nhiều tháng trước với chi phí thấp hơn nhiều.
Số tiền 2,16 triệu bảng nghe có vẻ lớn, song nó chỉ chiếm 0,3% trong tổng doanh thu hàng năm 662 triệu bảng của Man United. Tính ra, chỉ khoảng dưới 40.000 bảng mỗi tuần. Đúng là con số đó cao hơn mức lương trung bình hàng năm ở Anh, nhưng trong thế giới bóng đá, nó chẳng thấm vào đâu. Đây là mức lương mà một CLB tầm cỡ như MU có thể trả cho thủ môn dự bị thứ ba của mình. Nó cũng chỉ bằng 2,4% phí chuyển nhượng cho Antony. Liệu có quá khắt khe khi nói rằng một ông già 82 tuổi ngồi trên khán đài đã đóng góp nhiều hơn Antony cho MU trong 2 năm qua?
Nếu MU thực sự phải tiết kiệm số tiền này, liệu không còn chỗ nào khác trong đội hình chính mà họ có thể cắt giảm chi phí? Nếu chỉ nhìn từ góc độ tài chính, bạn có thể lập luận rằng ngay cả khi đã nghỉ hưu, di sản của những gì Sir Alex đã làm trong sự nghiệp huấn luyện vẫn hoàn toàn xứng đáng với số tiền đó. Liệu số tiền 2,16 triệu bảng này có thực sự cải thiện được tình hình? Liệu những khoản tiết kiệm hữu hình này có bù đắp được cho những mất mát vô hình hay không?
Ratcliffe có lẽ sẽ cho rằng “tích tiểu thành đại”, tiết kiệm từ cái nhỏ sẽ thành cái to. Nhưng liệu tất cả những điều này có thực sự cải thiện được MU, giúp đội bóng trở nên tốt hơn? Liệu số tiền 2,16 triệu bảng có đủ giá trị để bù đắp cho việc làm xa rời người đã tạo nên CLB này?
Dĩ nhiên là không.
Dù sao thì, quanh Old Trafford có không ít xưởng thu mua phế liệu, nên nếu MU làm việc tích cực, có lẽ họ sẽ còn tiết kiệm được nhiều tiền hơn nữa.