Man City thu hơn 500 triệu bảng từ ‘lúa non’ trong triều đại Pep Guardiola
Dortmund đã kích hoạt điều khoản buộc mua đứt hậu vệ Yan Couto từ Man City với giá 30 triệu euro. Tính ra, Man City đã thu được khoản lợi nhuận khổng lồ khi bán các cầu thủ do mình đào tạo kể từ lúc Pep Guardiola lên nắm quyền.
HLV Pep Guardiola đã “đốt” rất nhiều tiền để mua sắm nhờ sự hậu thuẫn từ BLĐ Man City, khi chi ra 1,53 tỷ euro mua tân binh kể từ lúc ông đến Premier League, qua đó đưa nhà ĐKVĐ Ngoại hạng Anh lên xếp thứ hai sau Chelsea trong danh sách các CLB chi tiêu nhiều nhất trong 8 mùa giải qua. Nhưng ở chiều ngược lại, CLB này cũng rất biết cách kiếm tiền từ những cầu thủ “cây nhà lá vườn”.
Hiện tại, có nhiều CLB đã và đang sở hữu một (hoặc nhiều hơn) sản phẩm được đào tạo từ học viện bóng đá Man City. Điều đó cho thấy, tầm ảnh hưởng sâu rộng của Man City tới các CLB đối thủ.
Riêng ở mùa giải này, Man City đã gặp lại “người cũ” Jadon Sancho trong màu áo MU tại Community Shield. Trận đấu tiếp theo với Chelsea, The Citizens lạ gặp 2 tài năng trưởng thành từ học viện của mình là Cole Palmer và Romeo Lavia. Tiếp đó, đến lượt Liam Delap trở lại sân Etihad đối đầu với Man City trong màu áo Ipswich Town.
Họ là những sản phẩm hàng đầu của học viện Man City, đang hiện diện ở khắp mọi nơi. Chẳng nói đâu xa, ngay trong đội hình các nhà vô địch Bundesliga và La Liga đều có một cầu thủ trưởng thành từ Man City, là Jeremie Frimpong (Leverkusen) và Brahim Diaz (Real Madrid).
Ở Serie A, Juventus có Douglas Luiz. Morgan Rogers và Jamie Gittens đã bắt đầu mùa giải này với phong độ tốt ở Aston Villa và Borussia Dortmund. Ngay cả các đội ở nhóm cuối BXH Ngoại hạng Anh 2024/25 như Wolves (2) và Southampton (5) cũng đang sở hữu “hàng” của Man City.
Để có được những sản phẩm chất lượng và bán được với giá cao, những ngôi sao này từng tham gia một khóa đào tạo đặc biệt tại Man City. Cụ thể, theo Sky Sports, những cầu thủ này từng có quãng thời gian ăn tập và thi đấu trong đội “Phát triển ưu tú” của Man City, còn được gọi là EDS – một đội hình nằm giữa đội một và các lứa học viện của CLB.
Hoạt động từ năm 2012, EDS có nhiệm vụ đưa những cầu thủ hàng đầu lên đội một City hoặc bán cho các CLB khác nhằm tìm kiếm lợi nhuận. Nhờ đó, những Phil Foden, Rico Lewis, Oscar Bobb hay mới nhất là James McAtee đã trở thành một phần quan trọng của đội một The Citizens, trong khi những người ra đi thì đem về khoản doanh thu vô cùng lớn cho CLB.
Thống kê từ Sky Sports cho biết, tổng số tiền mà Man City thu được từ việc bán các cầu thủ không thuộc thành viên đội một City kể từ khi Pep Guardiola chính thức lên nắm quyền ở sân Etihad vào năm 2016, hiện đã vượt ngưỡng 600 triệu euro. Chính xác là 610,9 triệu euro cho 54 cầu thủ.
Giá trị nhất trong số đó là Cole Palmer – người chuyển sang Chelsea với giá 47 triệu euro, tiếp đến là Yan Couto (Dortmund – 30 triệu euro), Kelechi Iheanacho (Leicester – 27,7 triệu euro), Romeo Lavia (Southampton – 22,3 triệu euro, và sau đó chuyển đến Chelsea), và James Trafford (Burnley – 17,3 triệu euro).
Top 10 sản phẩm từ học viện Man City bán được giá nhất
Man City kiếm được bao nhiêu từ bán cầu thủ tự đào tạo từ 2014 đến nay?
Theo Transfermarkt, Man City đã kiếm được 432,8 triệu euro từ 51 cầu thủ đã chơi cho ít nhất một trong các đội trẻ của CLB kể từ năm 2014, tức trung bình khoảng 7,8 triệu euro cho mỗi cầu thủ ra đi.
Tổng thu nhập từ bán cầu thủ của Man City trong khoảng thời gian đó là 932,8 triệu euro. Điều đó cho thấy, 46,4% tổng thu nhập của CLB ở các kỳ chuyển nhượng đến từ việc bán cầu thủ từ học viện trẻ. Còn nếu tính riêng 3 mùa giải gần nhất, Man City đã kiếm được gần 216 triệu euro từ bán cầu thủ trẻ.
Xa hơn, Man City đã kiếm được 998 triệu euro tiền chuyển nhượng trong suốt 11 mùa giải qua nhờ việc đó.