Man United sẽ “bán danh ba vạn” nếu đồng ý để nhà tài trợ gắn thương hiệu của mình vào trước thánh địa Old Trafford. Như thế, “Nhà hát của những giấc mơ” sẽ có tên mới là Snapdragon Old Trafford. Đổi lại, họ sẽ thu về một khoản béo bở.
Snapdragon đang quan tâm đến việc mua quyền gắn tên sân của Man United. Đây là động thái tiếp theo sau khi công ty công nghệ này trở thành nhà tài trợ áo đấu của MU, trong một hợp đồng 3 năm trị giá 180 triệu bảng. Ở chuyến du đấu Mỹ vừa qua, MU đã thi đấu với Real Betis trên sân Snapdragon ở San Diego.
Snapdragon là một công ty con của gã khổng lồ công nghệ Qualcomm – hiện đang hợp tác với MU về một số cải tiến công nghệ xung quanh dự án cải tạo trị giá 50 triệu bảng của CLB tại cơ sở đào tạo Carrington, và về một SVĐ mới hoặc sửa lại sân Old Trafford.
MU đang có kế hoạch xây dựng một SVĐ mới có sức chứa 100.000 chỗ ngồi trên mảnh đất bên cạnh sân Old Trafford. Khi xây xong, họ sẽ thương lượng với các đối tác về quyền đặt tên sân. Điều này sẽ được các CĐV chấp nhận hơn là bán quyền gắn tên với sân cũ, nơi đã trở thành thánh địa của MU suốt 114 năm qua.
Tuy nhiên, trong trường hợp thứ hai, cái tên Old Trafford vẫn có khả năng được giữ lại và chỉ gắn thêm tên của nhà tài trợ. Cách tiếp cận nhẹ nhàng hơn này đã được một số SVĐ mang tính biểu tượng khác áp dụng. Ví dụ, ít ai biết rằng thánh địa bóng đá Anh, Wembley thực ra có tên chính thức là “Wembley Stadium connected by EE”.
“Old Trafford vẫn là Old Trafford, nó phải luôn là Old Trafford”, giám đốc tiếp thị Don McGuire của Qualcomm cho biết. “Nhưng nếu có một thương hiệu gắn liền với nó thì cái tên Old Trafford vẫn tồn tại, chỉ là có liên kết với Snapdragon mà thôi”.
Snapdragon hiện đang hợp tác với MU về các công nghệ có thể giúp người hâm mộ trải nghiệm “SVĐ số”. McGuire giải thích: “Các cổ động viên có thể trải nghiệm việc kết nối và các dịch vụ của SVĐ như quầy bán lẻ, điểm bán hàng, vé vào/ra sân… qua điện thoại hoặc thiết bị thông minh”.
Do việc xây SVĐ mới có thể tốn hơn 2 tỷ bảng, còn việc sửa chữa sân Old Trafford ước tính khoảng 1,2 tỷ bảng, MU đang cân nhắc nhiều lựa chọn tài trợ và cách thức để tối đa hóa doanh thu.
Giám đốc điều hành Collette Roche của MU từng nói trong cuộc họp mới nhất của diễn đàn CĐV vào tháng trước, rằng sẽ không có thỏa thuận về quyền đặt tên hoặc khả năng tăng giá vé nếu CLB không tham khảo ý kiến đầy đủ của người hâm mộ. Ông khẳng định: “Tất cả mới chỉ là tin đồn. Chúng tôi phải xem xét tất cả các phương án tài trợ”.
McGuire thì cho biết Snapdragon sẽ tìm cách hợp tác với MU về các chuyến du đấu trong tương lai, bao gồm ở Trung Quốc và đặc biệt là Ấn Độ, nơi CLB chưa từng đến trước đây. Ông cũng hy vọng đội bóng đá nữ của MU có thể đến Mỹ để chơi ở San Diego Wave.
Snapdragon có 87% nhận diện thương hiệu ở Trung Quốc, vì phần lớn người dân nước này sử dụng điện thoại Android. McGuire cho biết: “MU có 253 triệu CĐV ở Trung Quốc. Chúng tôi biết MU đã từng chơi bóng ở Trung Quốc và họ rất muốn quay trở lại. Đó cũng là sở nguyện của chúng tôi, bên cạnh việc đưa đội bóng đến Ấn Độ.
Chúng tôi đã tích hợp vào các sự kiện ‘I Love United’ đang diễn ra trên toàn thế giới bên ngoài các trận đấu tại Old Trafford. Một số sự kiện thu hút khoảng 10.000 – 15.000 người. Trên thực tế, chúng tôi đang đi khắp thế giới cùng CLB trong những sự kiện đó.
Snapdragon là một công ty toàn cầu. Chúng tôi có trụ sở chính tại San Diego nhưng một trong những thị trường lớn nhất của chúng tôi là ở Trung Quốc và Ấn Độ. Việc gắn bó với MU để có tầm ảnh hưởng ở quy mô toàn cầu là điều hợp lý đối với một công ty như chúng tôi”, McGuire kết luận.