Tại Man City, trợ lý Mikel Arteta đã giúp Sterling mài giũa khả năng di chuyển trong vòng cấm và bản năng săn bàn. Bây giờ, ở cương vị HLV Arsenal, có thể một lần nữa, Arteta sẽ giúp chân sút này tìm lại bản năng sát thủ đó.
Giờ qua giờ, ngày qua ngày, Arteta và Sterling ở lại trên sân tập sau khi các cầu thủ khác của Man City đã nghỉ. Đây là thời điểm trước khi Sterling khẳng định mình là một trong những cầu thủ chạy cánh ghi bàn chất lượng ở châu Âu, và đây là những buổi tập giúp anh trở thành một tay săn bàn thực sự.
Cùng nhau, Arteta và Sterling đã làm việc với một trọng tâm: cách di chuyển cuối cùng cần thiết để ghi bàn. Những pha bứt tốc như tên bắn, chạy vị trí thông minh, dứt điểm bình tĩnh được lặp đi lặp lại, cho đến khi nó trở thành bản năng thứ hai của Sterling.
Ở mùa giải 2016/17, Sterling đã ghi được 10 bàn trên mọi đấu trường cho Man City. Anh muốn nhiều hơn thế nữa và sau khi tập cùng Arteta, các con số tăng lên với tốc độ đáng kinh ngạc: 23 bàn ở mùa 2017/18, 25 bàn ở mùa 2018/19. Vào thời điểm Arteta chuyển đến Arsenal vào tháng 12/2019, Sterling đã có 31 bàn thắng trên mọi đấu trường.
Sự phối hợp chặt chẽ của họ tại Man City không thể là sự trùng hợp ngẫu nhiên. Những năm tháng hiệu quả nhất của Sterling lại là khi Arteta làm trợ lý cho Pep Guardiola. Trong mùa giải trọn vẹn đầu tiên với Arteta, tổng số bàn thắng và kiến tạo của Sterling đã tăng 32%. Trong mùa giải trọn vẹn đầu tiên sau khi Arteta rời đi, con số đó đã giảm 33%.
Không có gì ngạc nhiên khi Sterling rất muốn tái hợp với Arteta tại Arsenal. Khi cơ hội đến vào cuối kỳ chuyển nhượng, Sterling đã nói rõ rằng anh muốn gia nhập Arsenal. Có một lời đề nghị từ Saudi Arabia với mức lương cao gấp đôi, nhưng Sterling không quan tâm đến điều đó.
Trong ngắn hạn, Sterling sẽ ra mắt Arsenal trong trận derby bắc London vào Chủ nhật tuần này tại sân nhà của Tottenham. Về trung hạn, anh hy vọng rằng việc tái hợp với Arteta và trở lại môi trường bóng đá ổn định hơn có thể giúp mình tìm lại phong độ tốt nhất.
Sẽ có người cảm thấy rằng Sterling, hiện 29 tuổi, đã quá xa so với phong độ tốt nhất để có thể trở lại đỉnh cao đó. Thật vậy, trong 2 năm ở Chelsea, anh chưa bao giờ tạo ra mối đe dọa nhất quán đã định hình nên 7 mùa giải của anh tại Man City. Hồi tháng 5/2023, anh thừa nhận rằng mình đang phải chịu đựng “một trong những thời điểm tồi tệ nhất trong sự nghiệp”.
Những người hoài nghi Sterling cũng sẽ lập luận rằng anh đã phải chịu khối lượng công việc lớn trong thập kỷ qua, trung bình ra sân 47 trận mỗi mùa và điều đó hẳn đã ảnh hưởng đến cơ thể.
Trong sự nghiệp, Sterling đã chơi hơn 45.000 phút cho CLB và ĐTQG. Ngược lại, đồng đội Leandro Trossard ở Arsenal, người lớn hơn Sterling 4 ngày tuổi, chỉ chơi chưa đến 30.000 phút. Đây là 2 cầu thủ gần như bằng tuổi nhau, nhưng Sterling đã có nhiều giờ bay hơn đáng kể.
Tuy nhiên, Sterling đã có thể xử lý khối lượng công việc như vậy vì anh luôn rèn luyện thể lực rất chăm chỉ. Anh đã sẵn sàng thử nghiệm trong quá khứ – thậm chí tập judo để tăng cường sức mạnh – và đã làm việc trong các buổi 1 kèm 1 với cựu HLV thể lực hàng đầu Ben Rosenblatt.
Bằng cách chuyển từ Stamford Bridge đến Emirates, Sterling đã đổi sự hỗn loạn và bất ổn thành trật tự và cấu trúc. Trong 2 năm ở Chelsea, anh đã chơi dưới thời các HLV Thomas Tuchel, Graham Potter, Bruno Saltor, Frank Lampard, Mauricio Pochettino và Enzo Maresca. Những HLV khác nhau đem đến những yêu cầu khác nhau và những hệ thống khác nhau.
Ở Arsenal, môi trường ổn định hơn. Arteta đã phụ trách CLB trong gần 5 năm và đã tạo ra một hệ thống được xác định, tương tự như đội hình mà Sterling chơi ở Man City. Về lý thuyết, Sterling có thể hòa nhập vào đội hình của Arsenal tương đối nhanh bởi anh hiểu những yêu cầu của hệ thống và biết mình cần ở đâu và khi nào.
Chính cấu trúc này đã cho phép anh ghi bàn thường xuyên trong thời gian ở Man City. Tấn công vòng cấm 5m50, căn thời gian chạy và tạt bóng thấp: đây là thương hiệu của Sterling. Đáng chú ý, 42% trong số 131 bàn của Sterling ở Man City được ghi trong vòng 5m50. Tại Chelsea, chỉ có 16% trong số 19 bàn của Sterling được ghi ở cự ly gần này.
Điều thú vị nhất là Sterling có thể giúp Bukayo Saka thành thạo nghệ thuật săn bàn từ cánh. Saka có nhiều điểm mạnh nhưng anh chưa bao giờ là một kẻ săn bàn theo cách mà Sterling đã làm ở Man City. Chỉ có 12% trong số 59 bàn của Saka ở khu vực 5m50.
Trong những năm tháng đỉnh cao tại Man City, Sterling đã trở thành một tiền đạo cũng như một cầu thủ chạy cánh. Mùa 2019/20, khi anh ghi bàn với tốc độ nhanh nhất trong sự nghiệp, cũng là mùa giải mà anh thực hiện ít pha rê bóng nhất trong sự nghiệp. Nhiệm vụ của anh là kết thúc các bàn thắng, không phải tạo ra chúng.