Điểm nổi bật của Ruben Amorim tại Sporting là khả năng tạo ra lối chơi kiểm soát bóng cường độ cao với hệ thống 3-4-3 linh hoạt. Các đội bóng của ông thường duy trì hàng thủ cao, pressing mạnh mẽ và chuyển trạng thái nhanh. Dưới đây là các hệ thống mà Amorim có thể áp dụng tại MU.
Xây dựng từ hàng thủ: Sơ đồ 3-4-3 và vai trò của thủ môn
Trong lối chơi của Amorim, thủ môn sẽ chủ động tham gia vào việc triển khai bóng từ tuyến dưới. Tại MU, Andre Onana có thể đứng giữa hai trung vệ để tạo ra cấu trúc 3-2 khi bắt đầu từ phía sân nhà.
Sơ đồ này không chỉ giúp phân phối bóng khỏi các tình huống áp lực cao, mà còn cho phép MU kiểm soát trận đấu từ hàng thủ. Đây cũng là điều Erik ten Hag mong muốn khi ký hợp đồng với Onana. Dù vậy, thủ môn này chưa có cơ hội thể hiện khả năng kiến tạo do thiếu sự ổn định chiến thuật.
Bộ ba trung vệ của Quỷ đỏ có thể bao gồm Matthijs de Ligt, Lisandro Martinez và Harry Maguire. Đây đều là những cầu thủ có khả năng xử lý bóng tốt, giúp hệ thống của Amorim cân bằng giữa phòng ngự và sự linh hoạt khi dâng cao.
Hàng tiền vệ: Ưu tiên hệ thống “2 pivot”
Amorim ưa chuộng sơ đồ 2 tiền vệ đánh chặn nhằm tăng cường tính chặt chẽ và kiểm soát trận đấu. Cấu trúc này gồm hai tiền vệ phòng ngự lùi sâu, bố trí lệch nhau, đảm bảo luôn có một người hỗ trợ hàng thủ.
Tại MU, Casemiro/Manuel Ugarte hoặc Christian Eriksen/Kobbie Mainoo có thể là bộ đôi lý tưởng, mang đến sự ổn định, khả năng đánh chặn và sáng tạo.
Hệ thống của Amorim không có vị trí cho một số 10 cổ điển như Bruno Fernandes, nhưng với khả năng tấn công của tuyển thủ Bồ Đào Nha, anh có thể bắt đầu ở cánh phải và di chuyển vào trung lộ khi cần.
Tấn công tầm cao với hệ thống 1-3-2-5
Khi đẩy cao đội hình, sơ đồ của Amorim biến đổi thành 1-3-2-5, với hàng thủ dâng cao cho phép pressing mạnh mẽ. Hàng phòng ngự của MU sẽ đẩy lên cao, thu hẹp khoảng cách giữa hàng tiền vệ và hậu vệ, giúp giành lại bóng nhanh chóng khi mất quyền kiểm soát.
Sơ đồ tấn công này tạo ra nhiều phương án chuyền bóng từ các góc độ khác nhau, trong đó một tiền vệ lùi sâu hỗ trợ triển khai bóng và kết nối các tuyến.
Tấn công ở 1/3 cuối sân đối phương: Kiểm soát khu cấm địa
Điểm đặc biệt từ hệ thống của Amorim là ưu tiên đẩy nhiều cầu thủ vào vòng cấm, thường từ 4 đến 5 người, nhằm gia tăng khả năng ghi bàn. MU có thể sẽ có nhiều cầu thủ tích cực di chuyển vào vị trí dứt điểm khi kiểm soát bóng, tạo ra các tình huống áp đảo về quân số (overload) khiến đối phương phải quyết định nhanh chóng.
Trong các tình huống này, Amorim thường sử dụng những pha chồng biên để xuyên phá hàng phòng ngự. Bruno Fernandes, người khá giỏi ở khả năng di chuyển thông minh khi không có bóng, có thể tận dụng chiến thuật này để kéo đối thủ ra khỏi vị trí, từ đó mở ra khoảng trống cho đồng đội.
Phòng ngự chắc chắn: Pressing rát theo sơ đồ 1-5-2-3
Khi phòng ngự, hệ thống của Amorim chuyển sang sơ đồ 1-5-2-3, trong đó ưu tiên pressing rát và đẩy đối thủ ra biên. Bộ ba trung vệ trở thành một tấm lá chắn vững chãi, với hai hậu vệ cánh lùi về hỗ trợ phòng ngự, trong khi các tiền vệ trung tâm kiểm soát khu vực giữa sân nhằm phá lối chơi của đối phương.
Cấu trúc phòng ngự này tạo ra một khối dày đặc, khiến đối thủ khó xuyên phá qua trung lộ. Sơ đồ này cũng cho phép MU pressing cao mà không ảnh hưởng đến sự vững chắc ở hàng thủ, rất phù hợp với triết lý thu hồi bóng của Amorim.
Nếu được bổ nhiệm, triết lý chiến thuật của Amorim có thể mang lại sức sống mới cho lối chơi của MU. Phong cách phòng ngự chặt chẽ, cường độ cao và tấn công đa dạng, dựa vào số lượng sẽ mang lại sự tinh tế về chiến thuật đã vắng bóng tại Old Trafford kể từ thời Sir Alex Ferguson.
Dù vẫn còn là dấu hỏi về việc liệu phong cách của Amorim có phù hợp tại Premier League như ở Bồ Đào Nha hay không, nhưng viễn cảnh một MU có tổ chức, mạnh mẽ và quyết liệt dưới sự dẫn dắt của ông chắc chắn sẽ khiến người hâm mộ lẫn các cầu thủ cảm thấy hào hứng.