Những giá trị tinh thần và truyền thống của Chelsea đang bị phá vỡ. Dưới thời chủ Mỹ, các cầu thủ chỉ còn là những món hàng đơn thuần được mua đi bán lại.
Những khán đài Stamford Bridge đã hô vang cái tên Conor Gallagher ở trận gặp Man City. Đó là cách các CĐV Chelsea phản ứng với việc Todd Boehly đẩy ra đường tiền vệ trưởng thành từ CLB và là một trong những cầu thủ chơi tốt nhất mùa trước.
Với các CĐV Chelsea, Gallagher gần như là một biểu tượng cho thế hệ cầu thủ cây nhà lá vườn. Tiền vệ 24 tuổi đã có 15 năm gắn bó với The Blues, dù trải qua nhiều thăng trầm nhưng cuối cùng vẫn nỗ lực giành lại chỗ đứng ở đội hình một.
Nhưng với Boehly, Gallagher chỉ là món hàng được giá thì bán. Hai tuần trước, một chiếc máy bay riêng chở Gallagher hạ cánh xuống Madrid để làm thủ tục gia nhập Atletico Madrid. Một tuần sau đó, một chiếc máy bay riêng khác chở Gallagher ngược về London khi vụ chuyển nhượng đổ bể. Và tiền vệ người Anh phải tập luyện một mình để chờ ngày ra đi.
Cuối cùng thì drama của Gallagher cũng khép lại theo ý Boehly. Atletico Madrid chấp nhận trả 42 triệu euro để có sự phục vụ của tiền vệ người Anh. Đó là chiến thắng đáng kể nhất của Boehly trong mùa hè hỗn loạn này, nhưng lại vạch trần tư duy thực dụng tàn nhẫn của giới chủ Mỹ.
Sẽ không có cầu thủ nào ở Stamford Bridge là không thể đụng đến. Kể cả chiếc ghế của Enzo Maresca. Todd Boehly không thiếu tham vọng với The Blues nhưng cách làm thì đi ngược với truyền thống bóng đá Anh nói chung và Chelsea nói riêng.
Với Boehly, Chelsea là một doanh nghiệp và cầu thủ là những món hàng. Tốc độ cải tổ Chelsea của Boehly nhanh không kém tốc độ Mark Zuckerberg cải tổ tập đoàn Meta với hàng chục nghìn lao động mất việc trong hai năm qua.
Nói về sự tàn nhẫn, chủ cũ của Chelsea là Roman Abramovich cũng chẳng kém Todd Boehly. Nhưng sự khác biệt quan trọng ở chỗ ông chủ người Nga muốn xây dựng một đội bóng thực sự, có bản sắc và truyền thống được kế thừa bằng sự tiếp nối các thế hệ cầu thủ.
John Terry hay Frank Lampard đã trở thành linh hồn của Chelsea trong hơn một thập kỷ. Không phải mùa giải nào họ cũng chơi tốt nhưng phòng thay đồ Chelsea cần họ, các CĐV cần họ và sự phát triển của đội bóng cần họ.
Sau này không còn Terry và Lampard thì có Cesar Azpilicueta thay thế trong vai trò tương tự. Nhưng chỉ một năm sau khi Todd Boehly lên nắm quyền thì hậu vệ người Tây Ban Nha quyết định rời sang Atletico Madrid. Và giờ là Gallagher di chuyển theo hướng tương tự. Những cầu thủ chiếm nhiều tình cảm nhất của các CĐV The Blues đều đã lần lượt ra đi.
Còn với Todd Boehly chỉ có những con số nhảy múa trong sổ sách kế toán. Vị tỷ phú người Mỹ đã chi 1,2 tỷ euro vào chuyển nhượng từ khi tiếp quản Chelsea. Nguy cơ vi phạm quy tắc PSR vẫn lơ lửng trên đầu. Về cơ bản, Boehly không sai khi tìm cách gia tăng nguồn thu nhằm cân đối tài chính.
Boehly cũng cần thời gian để nhìn thấy Chelsea của ông dần thành hình trong vài năm tới. Nhưng đó là Chelsea của riêng Boehly, chứ không phải của những CĐV đã sống chết với The Blues. Ở “doanh nghiệp” của Boehly, chẳng còn tình yêu trong mọi quyết sách.