Tân HLV Kim Sang Sik có 6 cầu thủ có thể chơi ở vị trí tiền đạo. Nhưng ông quyết định kiểm tra lại phép thử từng dang dở dưới thời người tiền nhiệm Philippe Troussier. Đó là đưa Nguyễn Hoàng Đức chơi trong vai trò một số 9 ảo.
Sự dang dở của người tiền nhiệm
Tháng 10/2023, tức gần 1 năm về trước, người tiền nhiệm Philippe Troussier đưa ra phép thử táo bạo. Đó là đẩy Nguyễn Hoàng Đức, một tiền vệ trung tâm lên đá cao nhất trên hàng công. Ông cho phép cầu thủ này tự do di chuyển giữa 2 tuyến phòng ngự đối phương, nhận bóng và phát huy khả năng kiến thiết của mình. Song song với đó, chiến lược gia người Pháp giao nhiệm vụ cho 2 cầu thủ có tốc độ (kiểu như Văn Toàn, Tuấn Hải, Vỹ Hào…) tận dụng sở trường để di chuyển ra sau lưng hàng hậu vệ đội bạn để chờ những đường chuyền xuyên tuyến từ phía Hoàng Đức. Cùng với đó, nhóm 5 cầu thủ gồm 3 trung vệ và 2 tiền vệ trung tâm vốn có khả năng kiểm soát bóng tốt ở tuyến dưới sẽ là nguồn cung cấp bóng cho Hoàng Đức.
Phép thử kể trên được ông Troussier chọn lựa bắt đầu từ trận đấu với Trung Quốc. Tiếc thay, đó cũng là khởi điểm cho chuỗi trận không thành công kéo dài cho đến tháng 3/2024 của vị HLV này với ĐT Việt Nam. Nhưng bất chấp kết quả không như mong đợi, ông Troussier vẫn tìm mọi cách để hướng Hoàng Đức chơi trong vai trò số 9 ảo.
Đến trận đấu cuối cùng trước khi chia tay ĐT Việt Nam (thua 0-3 Indonesia), vị HLV này vẫn nhất quyết trao cơ hội cho Hoàng Đức ở vai trò ấy. Ông thậm chí để Quang Hải ngồi ngoài trong cả 2 lượt đi và về trước Indonesia, chỉ để thấy Hoàng Đức từng bước phát huy khả năng trong nhiệm vụ này.
Sự quyết đoán, hoặc có thể nghĩ ở góc độ tiêu cực là bảo thủ của ông Troussier với Hoàng Đức sau cùng là dang dở. Kết quả chung cuộc là những thất bại của ĐT Việt Nam cũng đã khiến vị HLV người Pháp sau cùng nói lời chia ta trong cay đắng.
“Ở ĐT Việt Nam, chúng ta chỉ có hai người hội tụ đủ mọi yếu tố là Bùi Hoàng Việt Anh và Hoàng Đức. Tôi nghĩ họ hoàn toàn có đủ khả năng để chơi bóng đỉnh cao ở châu Âu. Nhưng thật không may, chúng ta không còn ai đạt được đẳng cấp như vậy. Có những cầu thủ sở hữu kỹ năng chơi bóng tốt như Tuấn Tài, Thái Sơn hay Đình Bắc, thì lại quá nhỏ bé và thiếu kinh nghiệm chơi bóng. Ở chiều ngược lại, Indonesia có đến 20 cầu thủ đẳng cấp hàng đầu. Nếu chúng ta có 20 Hoàng Đức hay 20 Việt Anh, bóng đá Việt Nam hoàn toàn có thể dự World Cup”, HLV Troussier cho biết.
|
57 phút tìm nghiệm trước ĐT Nga
HLV Kim Sang Sik có lẽ đã nghiên cứu lại tư liệu của ĐT Việt Nam khi người tiền nhiệm Troussier còn dẫn dắt. Bằng suy nghĩ cởi mở và muốn thử nghiệm, nhà cầm quân Hàn Quốc quyết định dùng Hoàng Đức, thay vì 6 tiền đạo có trong tay, ở vị trí cao nhất trên hàng công khi gặp ĐT Nga.
Trong 57 phút có mặt trên sân, Hoàng Đức tái hiện nhiệm vụ như giai đoạn trước thời ông Troussier. Anh tiếp tục hiện diện ở vị trí cao nhất trên hàng công, di chuyển tự do len lỏi giữa hai tuyến phòng ngự của Nga.
Điều quan trọng, HLV Kim Sang Sik cũng giao phó cho Thanh Bình, Hai Long – hai cầu thủ tấn công đá cánh phải và trái của ĐT Việt Nam quan sát nhiều hơn cách di chuyển và vị trí của Hoàng Đức. Để mỗi khi Hoàng Đức lui về nhận bóng từ đồng đội, hai vệ tinh này sẽ bắt đầu di chuyển hướng ra sau lưng hàng thủ của Nga.
Phút 11 của trận đấu, ý đồ này được thể hiện rõ hơn cả, khi Hoàng Đức nhận bóng và thực hiện một đường chuyền xuyên tuyến cho Thanh Bình dùng tốc độ thoát xuống đối mặt thủ môn ĐT Nga. Tiếc rằng, độ càn lướt của cầu thủ này không đủ mạnh mẽ và nhanh nhẹn để hiện thực hoá pha chọc khe đến từ đồng đội. Gần cuối hiệp 1, tới lượt Hai Long nhận được 1 đường chuyền tương tự đến từ Hoàng Đức. Tuy nhiên kịch bản tương tự xảy ra. Cầu thủ thuộc biên chế CLB Hà Nội không đủ dũng mãnh để thắng được hậu vệ Nga vốn lui về quá nhanh và can thiệp kịp thời.
Kết lại, ý đồ dùng Hoàng Đức ở vai trò tiền đạo ảo không hẳn là phép thử lỗi. Chuyện ông Kim tái hiện ý tưởng còn dang dở của ông Troussier xoay quanh Hoàng Đức, hay 57 phút nỗ lực thể hiện trước Nga của tiền vệ này là minh chứng cho điều ấy. Nhưng vấn đề nút thắt ở chỗ, những vệ tinh xung quanh Hoàng Đức chưa thể hội tụ cả độ nhanh lẫn mạnh để lượng hoá thành kết quả.
Văn Toàn, Vĩ Hào, Văn Đức nhanh, sắc bén nhưng không đủ mạnh mẽ. Thanh Bình mạnh, nhanh nhưng không đủ độ sắc. Tiến Linh mạnh, sắc bén thì lại không đủ nhanh. Có chăng, Tuấn Hải là hiện là cầu thủ hiếm hoi tiệm cận 3 thành tố ấy…