Các CLB tại Premier League đã chi 1/4 trong tổng chi tiêu chuyển nhượng của toàn thế giới cho các thương vụ chuyển nhượng quốc tế ở hè 2024.
Theo báo cáo mới nhất của LĐBĐ thế giới (FIFA) về các thương vụ chuyển nhượng quốc tế – tất cả đều phải được thông qua bởi trụ sở pháp lý mới của FIFA ở Miami – đã có gần 11.000 phi vụ với tổng trị giá 4,95 tỷ bảng trên toàn thế giới.
Đáng chú ý, các đội bóng ở Premier League chiếm 1,29 tỷ bảng trong số đó, đứng ở vị trí số 1. Hai vị trí còn lại trong Top 3 lần lượt thuộc về Serie A (Italia, 629 triệu bảng) và Ligue 1 (Pháp, 531 triệu bảng). Từ đây, có thể thấy Premier League đã chi tiêu gấp đôi so với Serie A.
Các thương vụ nổi bật của Premier League bao gồm Chelsea chi 46 triệu bảng đưa Joao Felix trở lại Stamford Bridge lần thứ hai khoác áo CLB, và Manchester United chi tổng cộng 79,2 triệu bảng cho Matthijs de Ligt cùng Joshua Zirkzee.
Những thương vụ lớn khác chứng kiến Arsenal đầu tư 42 triệu bảng để sở hữu hậu vệ Riccardo Calafiori và Bournemouth chi 40 triệu bảng từ 65 triệu bảng mà họ nhận được ở phi vụ bán Dominic Solanke cho Tottenham để mua tiền đạo Evanilson người Brazil của Porto.
Cần biết, hệ thống quản lý chuyển nhượng của FIFA chỉ liên quan đến các giao dịch xuyên biên giới. Do đó, thương vụ chuyển nhượng của Solanke đến Spurs hay những thương vụ lớn khác trong nội bộ Premier League như Pedro Neto, Elliot Anderson và Aaron Ramsdale không được tính vào.
Theo FIFA, các CLB ở Premier League đã thực hiện 526 thương vụ “nhập khẩu”, trong khi 523 cầu thủ – bao gồm Romelu Lukaku, Conor Gallagher và Douglas Luiz – đã rời nước Anh đến các đội bóng khác ở châu Âu.
Các CLB ở Premier League đã thu về tổng cộng 950 triệu bảng từ việc bán cầu thủ ra nước ngoài, với mức chi tiêu ròng đạt 340 triệu bảng.
Con số này nhỉnh hơn một chút so với chi tiêu ròng của Saudi Pro League – giải đấu vẫn tiếp tục chiêu mộ cầu thủ sau khi thị trường chuyển nhượng tại châu Âu đã đóng cửa và có thể sẽ vượt qua Premier League.
Một lần nữa, các đội bóng ở Bồ Đào Nha đã tận dụng rất tốt thị trường để tạo ra mức lợi nhuận ròng 185 triệu bảng, khi doanh thu từ bán cầu thủ nhiều hơn số tiền bỏ ra chiêu mộ.
Dù tổng chi tiêu cho các phi vụ xuyên biên giới ở mức cao thứ hai trong lịch sử, nhưng nó vẫn thấp hơn 540 triệu bảng so với kỷ lục mọi thời đại là 5,66 tỷ bảng được thiết lập vào năm 2023.