Sau trận đại chiến Man City vs Arsenal, sóng gió vẫn nổi lên khi Pep Guardiola và Man xanh chê Pháo thủ của Mikel Arteta là chơi bẩn, dùng thủ đoạn để kiếm điểm. Cũng may mà kết quả hoà, chứ nếu Arsenal có trọn 3 điểm thì không biết khẩu chiến còn dữ dội đến mức độ nào.
Chuyện HLV chê HLV, chê đội bóng đối thủ là thường tình trong bóng đá, nhất là khi gặp kết quả bất lợi. Họ luôn muốn tìm một con dê tế thần để đổ lỗi cho thất bại. Thế nhưng, Pep Guardiola chê Arteta lại là chuyện khác, bởi họ từng có mối giao tình “thày-trò”, giữa người học việc và kẻ dạy nghề.
Nói gì thì nói, rõ ràng, thành tựu của Arteta bây giờ có công rất lớn của Guardiola, giúp kẻ hậu bối có thể cầm một CLB lớn để đua tranh vô địch suốt 3 mùa qua. Sở học của Arteta cũng là sở học của Guardiola, vậy nên, khi thày chê trò dùng thứ bóng đá hắc ám thì cũng khác gì tự chê mình.
Nói đến đây lại nhớ đến chuyện một con lợn nái sề, sắc đen tuyền đẻ một lứa ba con, hai con đen tuyền, một con loang lổ. Lợn nái nuôi hai con lợn con giống mình rất chăm chỉ cẩn thận, hơi một tí cũng lo sợ. Còn con lợn loang lổ khác mình thì ghét bỏ, sau cắn chết xé cả gan ruột nát nhừ mới thôi.
Thấy lợn mẹ cắn chết lợn con, người chủ kinh hãi nói: “Gớm thay tâm thuật hay chuyển di. Mắt đã mờ về kẻ giống mình hay khác mình, thì bụng sinh ngay ra có kẻ yêu, kẻ ghét. Ðã ghét, đến con ruột đẻ ra mà cũng hại cả con mà không hối huống chi người khác máu với mình.
Người đời lúc bình cư, thì âu yếm thân thiết, thề ước cùng nhau tưởng keo sơn cũng không bằng. Khi lâm đến thế lợi, chỉ chênh nhau bằng sợi tơ sợi tóc, thì mặt đã đổi sắc, cơn giận nổi lên và tìm cách hại nhau ngay lập tức. Gớm thay! Tâm thuật chuyển di, tưởng chẳng khác gì con lợn nái’.
Pep Guardiola bị Arteta khống chế trên sân nhà, dẫn tới tình cảnh suýt thua, thất thế về mọi mặt. Trong lúc lửa giận nổi lên, ông ta quên rằng mình cũng đã từng dạy cho Arteta những chiêu thức bá đạo để giành chiến thắng. Nay, Arteta có dùng nó để giúp Arsenal khống chế thứ bóng đá của Man City cũng là hợp lý thôi.
Thế nên, Guardiola đành “bôi mặt” để đổ lỗi cho đối thủ cũng là nhằm tránh mối nhục thày thua trò, bất chấp “tiêu chuẩn kép”, rằng mình dùng thì được coi là “đầu óc cơ mưu”, đối phương dùng thì vu “mưu hèn, kế bẩn”. Thói thường, đồng chủng đồng tông thì ưa nhau, mến nhau, còn ngoại giả, thì đem bụng ngờ vực, ghen ghét, coi người ta như cừu địch cả, thực là hẹp hòi đáng tiếc.
Người quân tử không bao giờ lấy cái hình sắc khác nhau mà thành bụng yêu hay sinh bụng ghét, lại nhất là, không lấy cái tư tưởng thế lợi trái nhau là lúc hợp, lúc ly, lúc thân, lúc sơ, lúc thề ước, lúc tàn hại nhau bao giờ.
Người ta tuy không cùng nòi giống, cùng tư tưởng, cùng chí hướng với mình, nhưng người ta là hạng quang minh chính đại, mình cũng nên có lòng thân yêu, có lượng cao cả để đối với người ta thì mới đáng gọi là bậc đức cao vọng trọng. Còn nếu không thì tâm thuật lợn nái mất rồi!