Man City và Premier League đều tuyên bố chiến thắng sau khi có phán quyết liên quan đến các quy định về giao dịch với bên liên kết (APT) của giải đấu.
Phán quyết này nêu rõ các quy định APT của Premier League và các sửa đổi được đưa ra lần lượt vào tháng 12/2021 và tháng 2 năm nay là “trái pháp luật”, vi phạm luật cạnh tranh của Vương quốc Anh vì chúng cố tình loại trừ các khoản vay từ cổ đông – khi một CLB vay tiền từ nhóm chủ sở hữu của mình, thường là không lãi suất.
Man City cho rằng các quy định APT của Premier League – nhằm kiểm soát các CLB không sử dụng những hợp đồng tài trợ với các công ty liên kết với chủ sở hữu của họ nhằm thổi phồng nguồn thu nhập và cho phép chi tiêu nhiều hơn – là bất hợp pháp và trái với luật cạnh tranh. Premier League khẳng định các quy định này hoàn toàn phù hợp với pháp luật.
Trong tuyên bố vào thứ Hai, Man City nhấn mạnh Premier League “đã bị tòa án phát hiện lạm dụng vị thế thống lĩnh”. Nhà ĐKVĐ cũng lưu ý hội đồng đã ra phán quyết hủy bỏ hai quyết định của Premier League liên quan đến các hợp đồng tài trợ của CLB với Etihad Air Group và First Abu Dhabi Bank.
Trong khi đó, Premier League cho biết họ “hoan nghênh” phán quyết này. Giải đấu số 1 nước Anh thừa nhận phán quyết đã chỉ ra “một số ít yếu tố” của APT không tuân thủ luật cạnh tranh, song khẳng định nó “ủng hộ các mục tiêu, khuôn khổ và quy trình ra quyết định tổng thể của hệ thống APT”.
Premier League còn nhấn mạnh tòa án đã cho rằng các quy định APT là “cần thiết” để đảm bảo hiệu quả của các quy định về lợi nhuận và bền vững (PSR), “từ đó hỗ trợ và đảm bảo tính toàn vẹn và bền vững thể thao trong Premier League”.
Premier League cho biết họ sẽ tiếp tục vận hành hệ thống APT, “có tính đến những phát hiện” của tòa án. Premier League nói thêm, các yếu tố không tuân thủ luật cạnh tranh có thể được khắc phục “nhanh chóng và hiệu quả”.
Một sửa đổi đối với các quy định APT hiện hành đã được dự kiến thảo luận tại cuộc họp của các cổ đông Premier League vào thứ Năm, nhưng đã bị loại khỏi chương trình nghị sự trước thời hạn.
Một phần quan trọng của phán quyết hôm thứ Hai liên quan đến vấn đề các khoản vay từ cổ đông.
Tòa án quyết định rằng ngoài các hợp đồng tài trợ, các khoản vay từ cổ đông cũng nên được tính vào các quy định APT. Nhiều khoản vay này là không có lãi, điều này có lợi cho CLB vì họ sẽ nợ một khoản nhỏ hơn. Ví dụ, Arsenal đã vay hơn 200 triệu bảng từ các cổ đông, tính đến cuối mùa giải 2022/23.
Trước đây, các khoản vay không lãi suất từ cổ đông đã bị loại khỏi các quy định APT, điều mà Man City cho là không công bằng. Lập luận của họ là điều này làm méo mó các tính toán về lợi nhuận và bền vững (PSR) vì một khoản vay không lãi suất không thể được xem là có giá trị thị trường công bằng. Tòa án đã đồng ý với họ.
Về lý thuyết, điều này có nghĩa là nếu các khoản vay không lãi suất từ cổ đông được tính vào PSR, nhiều đội bóng sẽ phải cân đối lại tài chính của mình để tránh vi phạm.
Vào tháng 6 năm nay, một tài liệu pháp lý dài 165 trang cho thấy Man City lập luận rằng họ đã phải chịu “sự phân biệt đối xử” do các quy định APT của giải đấu, cáo buộc chúng tạo ra “sự chuyên chế của đa số”. Các quy định của Premier League yêu cầu đa số 14 CLB phải đồng ý để các quy định mới được thông qua.
Các đội bóng tại Premier League đã bỏ phiếu thông qua các biện pháp tạm thời liên quan đến APT vào tháng 10/2021, sau khi Quỹ Đầu tư Công của Saudi Arabia (PIF) tiếp quản Newcastle vào đầu tháng đó. Tháng 12/2021, có quyết định rằng các CLB phải trình lên Premier League tất cả các hợp đồng tài trợ có giá trị hơn 1 triệu bảng để quyết định khả năng có phải là APT hay không, bất chấp bị Man City và Newcastle phản đối.
Các quy định đó sau đó được củng cố vào tháng 2/2024 sau một cuộc bỏ phiếu khác giữa các CLB, trong đó họ bỏ phiếu ủng hộ một khuôn khổ quy định rằng tất cả các APT đều phải trải qua kiểm tra giá trị thị trường công bằng, có nghĩa mọi thỏa thuận đều phải có giá trị tài chính hợp lý cho tất cả các bên.
Trước đó đã có những lo ngại rằng các chủ sở hữu có thể sử dụng nhiều công ty dưới quyền quản lý của họ để ký kết các thỏa thuận tài trợ, từ đó tăng doanh thu một cách giả tạo và né tránh các quy định về PSR.
Các quy định APT đã đảm bảo Newcastle phải kiểm tra các thỏa thuận tài trợ của họ với công ty tổ chức sự kiện Sela và công ty thương mại điện tử Noon – cả hai đều liên quan đến PIF, theo các bài kiểm tra giá trị thị trường.
Điều này cũng áp dụng cho bất kỳ hợp đồng tài trợ nào giữa Man City và các nhóm có liên quan đến Tập đoàn City Football Group (CFG) – chủ sở hữu của CLB. Man City luôn bỏ phiếu chống hoặc bỏ phiếu trắng đối với việc đưa ra các quy định APT tại các cuộc họp của Premier League.
Trong mùa giải 2022/23, Man City đã công bố doanh thu kỷ lục của Premier League là 712,8 triệu bảng, trong đó gần một nửa – 341,4 triệu bảng – là từ nguồn thu thương mại.
Phần lớn doanh thu của Man City đến từ các công ty có liên quan đến CFG. Etihad, hãng hàng không quốc gia của Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, là nhà tài trợ chính cho áo đấu và sân vận động của Man xanh.
Leicester cũng bị ảnh hưởng bởi các quy định APT. Giám đốc điều hành và chủ tịch của họ, Aiyawatt Srivaddhanaprabha, cũng kiểm soát công ty King Power – nhà tài trợ chính cho áo đấu, sân vận động và trang phục tập luyện của CLB.
Tuy nhiên, việc Man City và Newcastle có mối liên kết chặt chẽ với các quỹ đầu tư nhà nước mang lại cho họ một mạng lưới các công ty liên quan rộng lớn hơn. Đó là lý do tại sao các CLB đối thủ tại Premier League đã hành động để đóng lại lỗ hổng này.
UEFA cũng có quy định kiểm tra giá trị thị trường công bằng của riêng mình. Vụ kiện pháp lý của Man City không liên quan đến các quy định này và CLB vẫn sẽ phải tuân thủ chúng trong các giải đấu châu Âu.