VAR ra đời nhằm mục đích hỗ trợ các trọng tài đưa ra những quyết định chính xác hơn. Nhưng theo thời gian, người ta bắt buộc phải nhìn nhận lại vai trò của nó, mà vụ Bruno Fernandes nhận thẻ đỏ rồi được xóa thẻ chỉ là điển hình mới nhất.
Đã có không ít ý kiến cho rằng VAR (Video Assistant Referee, trợ lý trọng tài video) chỉ là trò hề. Thậm chí VAR còn bị xem là một công cụ, là một cánh tay nối dài của những thế lực muốn thao túng các trận đấu. Tất nhiên đó chỉ là những suy đoán kiểu thuyết âm mưu, và trên thực tế không phải ai cũng phản đối VAR. Nhưng đúng là trong cách “công nghệ VAR” được vận hành còn quá nhiều lỗ hổng. Mà vụ việc của Bruno Fernandes chỉ đơn giản là minh chứng mới nhất (chứ không phải là duy nhất).
Trở lại với vụ việc xảy ra ở Old Trafford cuối tuần vừa rồi. Trong một nỗ lực ngăn cản James Maddison của Tottenham tổ chức phản công, Bruno đã bị trượt chân trụ. Bởi thế cái chân “phạm lỗi” của anh mới giơ hơi cao, và khi tiếp đất thì đã chạm vào cổ chân của Maddison. Thoạt nhìn thì đó là một pha phạm lỗi rất nguy hiểm. Ngay cả khi Bruno không gây thương tổn cho Maddison thì lỗi hành vi cũng đủ để anh nhận thẻ đỏ. Trọng tài Chris Kavanagh quyết định đuổi cầu thủ người Bồ Đào Nha cũng vì thế.
Nhưng đấy mới là lúc cần tới vai trò của VAR. Peter Bankes, người đảm nhiệm công việc này ở Old Trafford, có cơ hội để quan sát kỹ hơn tình huống, điều mà ông Kavanagh không thể làm được do tốc độ diễn ra quá nhanh và còn do ông bị Manuel Ugarte lẫn Cristian Romero che mắt. Bankes lẽ ra phải nhận ra là Bruno bị trượt chân và không hề cố tình đá xấu Maddison. Nhưng vị trọng tài này quyết định không can thiệp. Quyết định trên sân của ông Kavanagh được giữ nguyên.
Điều gì diễn ra sau đó thì chúng ta đều đã biết. MU kháng cáo, và ủy ban kỷ luật của FA – với thành viên là ba cựu cầu thủ – đồng ý rằng trọng tài đã sai khi đuổi Bruno. Cầu thủ người Bồ Đào Nha được xóa thẻ và lại có thể ra sân trong trận đấu cuối tuần này. Nhưng điều này không xóa được sự ấm ức của Bruno và fan MU. Nếu trọng tài VAR can thiệp ngay từ đầu, nếu trọng tài Kavanagh từ tư vấn của VAR đảo ngược quyết định của mình, có thể là kết quả của trận đấu đã khác.
Và tới đây chúng ta gặp nhau ở câu hỏi quan trọng nhất: vậy thì VAR ra đời rốt cuộc để làm gì?
Chẳng phải tất cả đều nói rằng bóng đá cần VAR để xóa đi MỌI tranh cãi sao? Bởi vì với VAR, tất cả những sai lầm nghiêm trọng của trọng tài trên sân đều có thể được sửa chữa. Rằng VAR sẽ giúp loại bỏ yếu tố cảm tính trong những nhận định của các trọng tài. Nhưng vụ việc của Bruno cho thấy đó là điều không tưởng. Sau tất cả, yếu tố chủ quan vẫn mang tính quyết định. Ông Kavanagh quyết định chủ quan. Bankes cũng thế. Và có lẽ cả ủy ban kỷ luật của FIFA cũng vậy.
Vẫn có ý kiến cho rằng VAR (công nghệ) không sai. Chỉ là những người thực hành nó chưa đủ giỏi. Nếu tất cả các trọng tài VAR đều được đào tạo tốt, những sai sót sẽ được loại bỏ như mong muốn. Câu hỏi là, điều đó có bao giờ có thể xảy ra không? Hay chỉ là một giấc mơ không tưởng? Con người thì luôn luôn là con người, luôn cảm tính và không bao giờ hoàn hảo. Và nếu chỉ cần đào tạo là giải quyết được mọi vấn đề, tại sao không tập trung đào tạo các trọng tài trên sân?
Vì VAR, chúng ta đã phải hi sinh niềm vui ăn mừng các bàn thắng (để chờ VAR xác nhận lại). Nhưng nếu cứ thế này, liệu sự hi sinh ấy có đáng hay không?